Du lịch cộng đồng gắn với OCOP

Số lượng sản phẩm OCOP ngày càng gia tăng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền, tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Hiện nay, việc gắn kết giữa sản phẩm OCOP và phát triển du lịch đang được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm

Du lịch cộng đồng gắn với OCOP

Thái Nguyên có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch với đầy đủ các điều kiện để có thể phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương như: TP.Thái Nguyên, TP.Sông Công, huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa. Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp ở các địa phương này đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân và khách du lịch.

Nằm ở trung tâm của vùng chè Tân Cương (TP.Thái Nguyên), Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt hiện có 30 thành viên, với vùng nguyên liệu chè hơn 10ha. HTX đã áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, chương trình quản lý chất lượng như: VietGAP, QR; hệ thống nhà xưởng có tổng diện tích trên 2.000m2, dây chuyền sản xuất khép kín. Bình quân mỗi năm, HTX chế biến được từ 700 – 900 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 160 – 200 tấn chè búp khô…

Du lịch cộng đồng gắn với OCOP

Hiện, HTX có 3 sản phẩm (chè móc câu, chè đinh, chè tôm nõn) được xếp hạng OCOP 4 sao, trong đó sản phẩm chè tôm nõn đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Với địa điểm thuận tiện ở trên tuyến đường vào Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, HTX đã tích cực phát triển nhóm sản phẩm thứ 6 là dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; xây dựng không gian văn hóa trà rộng rãi gồm các khu (đồi chè; chế biến hiện đại, thủ công; đóng gói thành phẩm; sinh hoạt cộng đồng; thưởng trà; trưng bày sản phẩm). Với không gian, cảnh quan đẹp và đầu tư khá bài bản, hàng năm, HTX thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu cách người dân trồng, chăm sóc, chế biến chè, nghệ thuật pha trà, làm kẹo lạc trà xanh, chế biến món ăn có nguyên liệu từ chè.

Trong số các sản phẩm OCOP có một sản phẩm độc đáo đó là “Du lịch văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải” (Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải) được UBND tỉnh công nhận đạt 4 sao OCOP năm 2020. Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tại xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên được xây dựng từ năm 2003, đi vào hoạt động đón khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng từ năm 2011. Bản làng Thái Hải có 30 ngôi nhà sàn truyền thống, là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Kinh… Đến với bản làng, du khách được trải nghiệm không gian đậm chất văn hóa dân tộc, người dân trong bản từ em nhỏ đến cụ già đều mặc trang phục truyền thống và còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán, nghề truyền thống như: Làm thuốc nam, nấu rượu, chế biến chè, thực hành Then trong cuộc sống hằng ngày. Từ khi đi vào hoạt động, bản làng Thái Hải đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách trong nước và du khách quốc tế. Bản làng Thái Hải đã hai lần được nhận Giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng và du lịch bền vững.

Du lịch cộng đồng gắn với OCOP

Từ các mô hình trên có thể thấy, sản phẩm OCOP là nền tảng để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 129 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 54 sản phẩm 3 sao, 73 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia); hình thành trên 100 khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Một số nơi đã hình thành các khu, điểm tham quan du lịch với các dịch vụ trải nghiệm thu hút hàng chục nghìn lượt khách ghé thăm. Đây chính là khởi điểm để Thái Nguyên thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Du lịch cộng đồng gắn với OCOP

Để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 – 2025 đạt hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện những giải pháp như: Hoàn thiện việc quy hoạch và quản lý nhà nước về phát triển du lịch nông nghiệp cho từng địa phương. Bố trí nguồn vốn đối ứng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện các mô hình thí điểm về du lịch nông thôn. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ các loại hình du lịch gắn với kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch; tăng cường tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp và hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thanh Nga

Bài Viết Liên Quan

Back to top button