Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số sẽ có khả năng thích ứng nhanh và cạnh tranh tốt hơn

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2024. Diễn đàn nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số sẽ có khả năng thích ứng nhanh và cạnh tranh tốt hơn
Lễ khai mạc Diễn đàn ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam năm 2024

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Lại Việt Anh cho biết, theo báo cáo tháng 07/2024 tại Hội nghị Chính phủ về chuyển đổi số, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất khu vực. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư vào các lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, R&D, AI… Thanh toán không dùng tiền mặt cũng lan rộng với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025. Hiện nay, thương mại điện tử không chỉ phát triển ở đô thị mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ.

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và công nghệ số như vậy, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh mong muốn Diễn đàn là không gian kết nối cho các doanh nghiệp đa dạng trong lĩnh vực sản xuất, thương mại điện tử, phân phối, thương mại, xuất nhập khẩu quốc tế, công nghệ, và cung cấp giải pháp chuyển đổi số – từ quy mô lớn đến nhỏ. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử và chuyển đổi số, từ đó cải thiện quản trị và năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số sẽ có khả năng thích ứng nhanh và cạnh tranh tốt hơn
Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra hai phiên tọa đàm tập trung vào các chủ đề phát triển thị trường thương mại điện tử nội địa và xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, các phiên thảo luận tại tọa đàm sẽ nhấn mạnh vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng của thương mại điện tử, tối ưu hóa cơ hội phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, tài chính số và thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Vietnam Post và BIDV cùng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên tham gia trao đổi về những giải pháp và thách thức trong lĩnh vực, mang tới cho những góc nhìn đa chiều, những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thương mại điện tử không chỉ là cầu nối giúp hàng hóa địa phương tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước, mà còn hỗ trợ mở rộng tầm ảnh hưởng của sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế. Đối với các doanh nghiệp sản xuất địa phương, thương mại điện tử mở ra cơ hội tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống hoặc địa lý. Nhờ vậy, các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, và các sản phẩm nông nghiệp địa phương được tiêu thụ tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng hơn, cần có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương vượt qua khó khăn và phát huy lợi thế. Các doanh nghiệp sản xuất địa phương nên chủ động tham gia các sự kiện giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cập nhật các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số sẽ có khả năng thích ứng nhanh và cạnh tranh tốt hơn
Tọa đàm “Phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam – Giải pháp cân bằng hơn cho doanh nghiệp sản xuất địa phương”

Bên cạnh đó, Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tiềm năng và thách thức của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

Các tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu, như Amazon Global Selling, OSB (đại lý ủy quyền của Alibaba.com), Ratraco Solutions, Ngân hàng BIDV, và Hiệp hội Dừa Việt Nam đều nhận định rằng thương mại điện tử là kênh xuất khẩu hiệu quả, giúp giảm chi phí, mở rộng thị trường nhanh chóng và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu.

Các giải pháp công nghệ số tiên tiến giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng đã được giới thiệu tại diễn đàn. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ số là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp không chỉ tăng hiệu quả sản xuất mà còn tiết kiệm đáng kể các chi phí. Những doanh nghiệp nắm bắt và triển khai công nghệ sẽ có khả năng thích ứng nhanh chóng, cạnh tranh hiệu quả hơn và sẵn sàng phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Với tầm nhìn chung về thúc đẩy thị trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số tại các tỉnh, thành phố, tại Diễn đàn, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) cùng Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số cho doanh nghiệp tại địa phương.

Cùng với đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam và Công ty TNHH Giải pháp vận tải Ratraco ký kết Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa ra thị trường nước ngoài qua thương mại quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đây là cơ hội quan trọng để các tổ chức, doanh nghiệp kết nối và mở rộng hợp tác, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác chiến lược, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững cho thương mại điện tử, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá cũng như đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button