Doanh nghiệp ngành xây lắp “đón sóng” đầu tư công
Các doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ “sóng” đầu tư công, khi hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm Quốc gia vừa được khởi công triển khai.
Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho biết, theo văn bản số 5646/BTC-ĐT của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 4 tháng, ước thực hiện 5 tháng kế hoạch năm 2023. Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2023 là hơn 157.095 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Xét theo từng tháng, số giải ngân đầu tư công trong tháng 5 đạt 46.569 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với tháng liền trước và là mức giải ngân cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá trị giải ngân đầu tư công liên tục tăng trưởng từ tháng 3 là dấu hiệu tích cực cho thấy thể hiện kì vọng số giải ngân sẽ tiếp tục tăng trong các tháng sau.
So với kế hoạch Chính phủ đề ra, trung bình 8 tháng cuối năm (đến 01/2024) mỗi tháng cần giải ngân 68.744 tỷ đồng, cao hơn 47,6% so với số tháng 5. Con số trên vừa là thách thức của Chính phủ, vừa thể hiện cơ hội tạo ra cho nhóm các doanh nghiệp xây lắp hiện đang được tin tưởng giao cho các gói thầu xây lắp.
Theo MAS, kết thúc quý I/2023, các doanh nghiệp xây lắp công bố lợi nhuận có phần trái chiều, trong khi một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả khả quan với mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ thì cũng có những doanh nghiệp lại ghi nhận mức giảm sâu đến hơn 80%.
Tuy nhiên điểm chung trong kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp này là dòng tiền đã cải thiện tốt ở những doanh nghiệp trúng thầu các dự án cao tốc giai đoạn 2 như VCG, LCG, HHV, C4G. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này đã nhận được khoản tiền ứng trước để thực hiện các dự án đầu tư công, giúp dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thặng dư.
Một trong những doanh nghiệp được dự báo sẽ được hưởng lợi lớn từ “sóng” đầu tư công trong năm 2023 là Tổng Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (HoSE: VCG). Đây cũng là doanh nghiệp xây dựng thuộc top đầu ngành, có quy mô tổng tài sản lớn nhất ngành, với hơn 32.000 tỷ đồng (tính đến ngày 31/03/2023).
VCG hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của ngành Xây dựng như: Xây dựng công nghiệp, Xây dựng dân dụng, Dự án giao thông… Ngoài ra, công ty đang sở hữu quỹ đất lên đến 2.000 ha bao gồm các dự án: Nhà ở, Bất động sản nghỉ dưỡng và Bất động sản công nghiệp tại nhiều địa phương có thị trường BĐS sôi động của cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên….
Sau khi hoàn thành các dự án lớn như: gói thầu Phan Thiết – Dầu Giây – gói XL-03 (2.300 tỷ đồng), Vĩnh Hảo – Phan Thiết – gói XL-04 (3.225 tỷ đồng) và Mai Sơn – QL45 – gói XL-14 (2.500 tỷ đồng).VCG tiếp tục được giao các dự án giao thông lớn khác như gói XL-11 dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi (5.232 tỷ đồng), gói XL-01 dự án Vũng Áng – Bùng (5.400 tỷ đồng), gói XL-12 dự án Quy Nhơn – Chí Thạnh (3.055 tỷ đồng), gói XL-02 dự án Vân Phong – Nha Trang (3.549 tỷ đồng)… giúp VCG trở thành doanh nghiệp có khối lượng trúng thầu lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết.
Trong năm 2023, kỳ vọng tình hình xây dựng khả quan, VCG đặt mục tiêu doanh thu đầy thử thách với 16.340 tỷ đồng, tăng 170% so với 2022, lợi nhuận sau thuế ở mức 860 tỷ đồng, bằng 92% mức thực hiện 2022. Tuy nhiên, kỳ vọng hoạt động giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong các tháng tiếp theo, MAS cho rằng, VCG sẽ hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh đề ra.
Mảng bất động sản sẽ là hoạt động chính tạo ra lợi nhuận cho VCG với các dự án bất động sản đủ điều kiện nhằm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023 gồm: Green Diamond 93 Láng Hạ, khu dân cư đô thị phường Hải Yên (Móng Cái), khu đô thị mới Cát Bà Marina (Hải Phòng).
Nhiều kỳ vọng, nhưng mặt khác cũng phải nhìn lại kết quả quý I của VCG chỉ đạt vỏn vẹn 19 tỷ đồng, “bốc hơi” tới 98% nếu so với kết quả cùng kỳ năm trước. Các vấn đề phát sinh trong quý I/2023 khiến kết quả kinh doanh giảm sẽ đặt áp lực của VCG để đạt mục tiêu đề ra căng hơn trong 3 quý còn lại của năm.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV), một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả (DCG), với thế mạnh trong lĩnh vực xây lắp, quản lý vận hành công trình giao thông. HHV đã chứng minh được năng lực qua nhiều công trình lớn, cụ thể như: Hầm Đèo Cả (tổng mức đầu tư 11.378 tỷ đồng), hầm Cù Mông (4.627 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.296 tỷ đồng), cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (12.188 tỷ đồng), cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (5.003 tỷ đồng)… Công ty cũng đang sở hữu quyền thu phí BOT trên 5 tuyến và hiện nguồn thu từ thu phí BOT chiếm trên 70% tổng doanh thu của HHV.
MAS cho biết, năm 2023, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ đến kết quả kinh doanh của HHV như: Liên doanh của HHV và DCG đã trúng thầu 3 gói thầu trong dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, tổng giá trị đạt 14.677 tỷ đồng với thời gian thi công đến cuối năm 2025 và 2026.
Bên cạnh đó, sự hồi phục của ngành du lịch sẽ giúp cho hoạt động thu phí giao thông của HHV khả quan hơn khi phần lớn các trạm BOT ở các tuyến từ Khánh Hòa đến Huế, các khu vực có hoạt động du lịch phát triển.
Ngoài ra, lãi suất hiện nay đã giảm so với giai đoạn cuối năm 2022 và được kỳ vọng sẽ ổn định hoặc giảm thêm. HHV là doanh nghiệp có dư nợ rất lớn do đầu tư lĩnh vực BOT nên sẽ được lợi trực tiếp từ diễn biến trên.
Tuy nhiên, với trường hợp HHV, cũng cần lưu ý những rủi ro về biến động giá hàng hóa liên quan đến chi phí, đơn hàng vật tư… sẽ tác động không nhỏ đến tiến độ dự án. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đèo Cả từng nêu một số vấn đề trong đó có việc tính chất của các công trình phức tạp nhưng thời gian chuẩn bị gấp rút dễ dẫn đến sai sót trong quá tình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu. Đồng thời, việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức lớn đối với các bên tham gia trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Hoàng việc chỉ số giá tại các địa phương chậm công bố, không điều chỉnh kịp thời với thực tế; vấn đề giải phóng mặt bằng với mỏ vật liệu thông thường vẫn còn bất cập và lãi suất tăng cao đã tác động đến chi phí của doanh nghiệp, cũng như làm chậm tiến độ dự án.
Như đề cập, lãi suất giảm sẽ giúp Đèo Cả giảm chi phí tài chính, song mặt khác các dự án đều rất lớn và thách thức nguồn vốn sẽ là câu chuyện doanh nghiệp phải đối mặt, giải quyết hiện nay lẫn dài hạn.
Trong khi đó, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HoSE: KSB), một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Việt Nam, sở hữu các mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai, vị trí thuận lợi gần các dự án trọng điểm như: Cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí vận chuyển khi tiếp cận các dự án.
Theo MAS, hiện KSB có 3 mỏ đá còn trữ lượng và thời hạn khai thác gồm: Tân Mỹ,Thiên Tân 7, Tam Lập với tổng trữ lượng đạt khoảng 43 triệu m3, công suất khai thác trên 5,5 triệu m3/năm. Ngoài ra, KSB sở hữu 2 mỏ cao lanh Tân Lập và Minh Long, tổng công suất khai thác hơn 550.000 tấn/năm.
Kỳ vọng thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 tạo động lực mạnh mẽ cho nhóm vật liệu xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là trên 764.384 tỷ đồng tăng gần 30% so với 2022, mục tiêu giải ngân đạt ít nhất 95%. Ước tính, 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,8% kế hoạch, tương đương 157.095 tỷ đồng.
KSB nắm giữ 9,5% cổ phần VLB của CTCP Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa, doanh nghiệp khai thác nhiều mỏ đá xây dựng tại khu vực Đồng Nai với công suất lên tới 4 triệu m3/năm. VLB sở hữu mỏ Tân Cang 1 với trữ lượng 49,8 triệu m3, là một trong những nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành, Vành Đai 3. Bộ GTVT, ước tính sân bay Long Thành, Vành Đai 3 TP.HCM sẽ tiêu thụ 2,04 triệu m3 và 5,3 triệu m3 đá xây dựng.
Năm 2023, MAS dự phóng, doanh thu và lãi ròng đạt 896 và 187 tỷ đồng, tăng 5% và 23% so với cùng kỳ năm nhờ: 1) Biên lợi nhuận gộp tăng từ 37% lên 41% nhờ đầu tư công được đẩy mạnh và đóng góp từ mảng khu công nghiệp; 2) Dự đoán sản lượng tiêu thụ đá cả nước tăng 30%, giá đá xây dựng tăng 15% bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung, chi phí bảo vệ môi trường do khai thác mỏ tăng, cũng như sự biến động của giá nhiên liệu.