Doanh nghiệp ngành chăn nuôi đã qua thời khó khăn?
Lãnh đạo các doanh nghiệp và chuyên gia đều tự tin rằng, những khó khăn của ngành đã đi qua và triển vọng sẽ tươi sáng hơn từ quý III/2023, nhờ giá heo hơi trung bình tăng và chi phí đầu vào thấp hơn.
Lợi nhuận bị “ăn mòn”
Trong bối cảnh giá heo hơi thấp, trong khi, giá thức ăn chăn nuôn vẫn neo ở mức cao, cùng với nhu cầu giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của lạm phát và thất nghiệp tăng cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, khiến nhiều “ông lớn” trong ngành lỗ nặng, hoặc “bốc hơi” gần hết lợi nhuận.
Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) vừa trải qua quý kinh doanh ảm đạm nhất trong ngành chăn nuôi, với doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn 2.314 tỷ đồng; Lợi nhuận ròng ghi nhận lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 9 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lỗ nặng là do ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước, làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm. Bên cạnh đó, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) mặc dù doanh thu trong quý I/2023 tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên tới hơn 4.900 tỷ đồng, nhưng mảng nông nghiệp của HPG vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới hơn 136 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sức tiêu thụ yếu và giá heo hơi giảm mạnh.
Mặc dù không lỗ nhưng Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) cũng vừa trải qua một quý kinh doanh không mấy sáng sủa, khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu của BAF giảm 47%, xuống còn hơn 816 tỷ đồng và lãi ròng giảm tới 96%, xuống còn hơn 3 tỷ đồng.
Doanh thu mảng chăn nuôi của BAF tăng 16,2% so với cùng kỳ trong quý I/2023 chủ yếu nhờ vào việc mở rộng công suất của các trang trại mới và hệ thống phân phối so với quý I/2022.
Lãnh đạo BAF cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp này lao đao là do hiệu ứng thị trường từ dịch bệnh heo châu Phi, khiến cho giá heo, cũng như nhu cầu về thịt heo giảm mạnh.
Còn đối với Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) có kết quả kinh doanh sáng sủa nhất trong số các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hiện nay, với doanh thu tăng 111% so với cùng kỳ, lên 1.697 tỷ đồng và lãi ròng tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 291 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức lãi trên của HAG chủ yếu đến từ mảng trái cây và dịch vụ hàng hóa, trong đó, chiếm phần lớn là nhờ vào chuối xuất khẩu. Còn đối với mảng chăn nuôi “heo ăn chuối” của HAG thì lãi gộp cũng giảm đến 97%, xuống chỉ còn 2 tỷ đồng, mặc dù doanh thu mảng này đạt 563 tỷ đồng tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng lạc quan
Tại ĐHĐCĐ thường niên của các doanh nghiệp vừa qua, lãnh đạo các doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan về giá heo, hầu hết, lãnh đạo các doanh nghiệp đều tin rằng khó khăn nhất của ngành đã đi qua và triển vọng sẽ tích cực hơn từ quý III/2023.
Theo đó, Chủ tịch DBC Nguyễn Như So cho rằng, kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông nhận định, tình hình sẽ từng bước phục hồi kể từ quý III/2023. Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAG cho rằng, nếu giá heo hơi đạt 55.000 đồng/kg thì mảng heo của doanh nghiệp này sẽ có lợi nhuận. Bởi theo tính toán của ông, giá vốn heo của HAG đang ở mức 42.000 đồng/kg.
Trong báo cáo ngành sản xuất thịt mới đây, Chứng khoán VNDirect cũng cho biết, giá heo hơi tăng 10,9% so với tháng trước trong tháng 5/2023, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm do sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm và thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3/2023 giảm 50% so với năm 2021.
VNDirect nhận định, giá heo hơi sẽ tăng 9,7% so với quý trước trong quý II/2023 và cải thiện rõ rệt hơn ở mức 11,6%/4,0% so với quý trước trong quý III và quý IV/2023 lên mức 62.000-65.000/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý III/2023. Trong 2023, VNDirect kỳ vọng giá lợn hơi bình quân tăng 5% so với cùng kỳ, lên mức 59.000/kg.
Đối với giá nông sản, VNDirect kỳ vọng giá nông sản toàn cầu giảm trung bình 7-10% so với cùng kỳ trong 2023, khiến giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, nguy cơ giá nông sản toàn cầu có thể tăng trở lại do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia xuất khẩu chính. Đây cũng là rủi ro khó lường nhất đối với giá nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến triển vọng ngành chăn nuôi trong thời gian tới.