Doanh nghiệp gỗ “lấy ngắn nuôi dài”
“Khẩu vị” thị trường đã thay đổi với các đơn hàng nhỏ, giá tốt và nhiều yêu cầu khó hơn, do đó doanh nghiệp không còn ưu tiên hàng đầu là lợi nhuận, thay vào đó linh hoạt “lấy ngắn nuôi dài”.
Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 13,4 tỷ USD, giảm 15,9% so với năm trước. Trong đó, sản phẩm gỗ mang về 9,19 tỷ USD, giảm 16,7%. Tín hiệu tích cực của năm 2024 đã có nhưng chưa mấy rõ rệt, doanh nghiệp vẫn đang thích ứng để sống sót và duy trì hoạt động.
Năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu có sự khác nhau giữa các thị trường xuất khẩu của gỗ Việt. Theo đó, trong 40 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, có tới 31 thị trường ghi nhận giảm kim ngạch so với năm trước. .. Thụy Sĩ là thị trường có mức giảm lớn nhất với -80,5%, xuống còn 1,5 triệu USD; tiếp đến là Đức với -43,5%, còn 72 triệu USD; Ba Lan với -42,4%, đạt 17,2 triệu USD…
Điều đáng mừng là trong năm 2023 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 5 thị trường thuộc khối ASEAN với tổng kim ngạch 292 triệu USD, tương ứng giảm không đáng kể là 0,1% so với năm trước.
Cụ thể, trong đó, Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 147 triệu USD, giảm 0,4% so với năm trước. Tiếp đến là Thái Lan với 61 triệu USD, giảm 11,2%; Singapore với 38,4 triệu USD, giảm 12,5%. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Campuchia lại tăng 50,1%, tương ứng đạt 39,2 triệu USD; Lào tăng 10,9%, đạt 6,1 triệu USD.
Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Ấn Độ lại tăng tới 288%, lên mức 121 triệu USD. Đứng sau là Thổ Nhĩ Kỳ với +91,6%, đạt 11,5 triệu USD; Nauy với +51,8%, lên mức 4,1 triệu USD; Campuchia với +50,1%, đạt 39,2 triệu USD…
Ba thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá là 10,68 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 7,3 tỷ USD; Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD và Nhật Bản đạt 1,67 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 khó tăng trưởng đột phá do tình hình chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột cũ chưa chấm dứt đã phát sinh xung đột mới.
Thách thức trước mắt của ngành gỗ không nhỏ nhưng vẫn có cơ hội cho những doanh nghiệp nhạy bén, linh hoạt. Đây cũng được xem là thời điểm để ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tập trung xây dựng thương hiệu ngành gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn mới về bền vững đón sóng phục hồi. Đáng nói, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt phải thích nghi để đáp ứng “khẩu vị” đã thay đổi của các thị trường. Nói như ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) các đơn hàng cho quý I/2024 đã hoàn toàn khác so với thời gian trước khi yêu cầu về giá cả thấp hơn, quy mô đơn hàng nhỏ hơn.
“Doanh nghiệp đang rất tích cực tìm kiếm khách hàng thông qua việc chuyển các nguyên liệu truyền thống sang nguyên liệu thân thiện với môi trường để tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn và đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng hiện nay”, ông Trần Quốc Mạnh nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết doanh nghiệp cố gắng đáp ứng mọi đơn hàng dù số lượng nhỏ, nhiều yêu cầu khó hơn. Mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận không còn là ưu tiên hàng đầu, thay vào đó doanh nghiệp linh hoạt “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì hoạt động sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải chú trọng tới sản phẩm giá tốt, phù hợp với thị hiếu, sản phẩm đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt để đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh nhận định, trong xu hướng tiêu dùng bền vững, ngành gỗ được hưởng lợi từ sở thích sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông… Vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo, ngành tiêu dùng, bao bì… vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.
Quy mô thị trường đồ nội thất toàn cầu được Fortune Business Insights ước tính đạt hơn 541 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo sẽ lên hơn 780 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, Việt Nam dù nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ và nội thất thế giới nhưng tỷ trọng thị phần còn khá khiêm tốn. Vì vậy, dư địa cho doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất Việt phát triển vẫn còn nhiều, đặc biệt nếu khai thác tốt các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông.