Doanh nghiệp chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Chuyển đổi công nghiệp 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số trở thành yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp điện tử.
Tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”, bà Đỗ Thị Thuý Hương – Uỷ viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam thông tin: nói đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn còn quan điểm cho rằng, đó là quá trình số hoá đầu vào, đầu ra… Điều này chưa đầy đủ.
Chuyển đổi số tại doanh nghiệp sản xuất còn có tâm lý e ngại. Tại nhiều nhà máy, hệ thống máy móc thiết bị không đồng nhất, có những loại máy thời gian hoạt động từ 10-20 năm trước. Kết nối và đồng bộ hoá các loại máy móc này là vấn đề khó khăn.
Trung tuần tháng 10, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử tổ chức đoàn tham gia triển lãm Chuyển đổi công nghiệp 4.0 (ITAP 2023) tại Singapore. Các doanh nghiệp điện tử có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ mô hình mẫu đã thành công trong chuyển đổi số của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn toàn cầu. Một số đơn vị cung cấp giải pháp nước ngoài giới thiệu, hướng dẫn thiết bị kết nối đơn giản giúp doanh nghiệp có thể tháo gỡ khó khăn trên.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất có đặc thù riêng, khác với chuyển đổi số tại doanh nghiệp ở một số ngành nghề, lĩnh vực khác. Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi đảm bảo tính kết nối, đồng bộ hoá, quản trị ERP của toàn bộ hệ thống nhà máy. Đây là quá trình chuyển đổi mới.
Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thuý Hương cho rằng, để chuyển đổi số thành công tại các doanh nghiệp sản xuất, quan trọng nhất cần bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu. Dù tốn kém và mất nhiều công sức, song chuyển đổi công nghiệp 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo giữ vững đơn hàng cho các doanh nghiệp điện tử.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của các “ông lớn”, khi doanh nghiệp đầu chuỗi đã chuyển đổi số, các nhà cung ứng phải chuyển đổi để thích ứng và đảm bảo đồng bộ hoá trong cả chuỗi. Đây còn là cơ hội để doanh nghiệp điện tử tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Không chỉ chuyển giao công nghệ lõi mà còn tiếp nhận chuyển giao quản trị sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng và quản trị nguồn nhân lực. Yếu tố quan trọng này là tiền đề cho các doanh nghiệp Việt bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp điện tử đang đứng trước cơ hội lớn tham gia ngành công nghiệp bán dẫn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam mong muốn tham gia đóng góp vào Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; đồng thời kiến nghị Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn cần sớm ban hành để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt tốt cơ hội hợp tác, phát triển trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghiệp điện tử là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử đạt 108 tỷ USD, xuất siêu 11,5 tỷ USD trong bối cảnh xuất siêu cả nước hơn 4 tỷ USD. Năm 2022, các doanh nghiệp điện tử gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành điện tử vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, duy trì vị trí quán quân trong các ngành chế biến chế tạo với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 114 tỷ USD, xuất siêu hơn 11,2 tỷ USD trên tổng số xuất siêu của cả nước là 11 tỷ.
6 tháng đầu năm 2023, cũng như nhiều ngành nghề khác, xuất khẩu ngành điện tử đã sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cầu thế giới giảm sút nhưng tỷ trọng xuất khẩu của ngành chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt trên 50 tỷ USD, xuất siêu 7,8 tỷ USD. Những con số trên cho thấy, ngành điện tử đóng góp rất lớn trong việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước.