Doanh nghiệp cần biết “tự vệ” và thận trọng trước rủi ro xuất khẩu
Trong bối cảnh càng hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu với nhiều quy định khác nhau, doanh nghiệp xuất khẩu càng cần trang bị kỹ năng, biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, đi cùng cơ hội, doanh nghiệp phải đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế.
Đề cập đến rủi ro trong thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp thường nghĩ đến việc mất hàng, mất tiền đã xảy ra. Nhưng, thực tế rủi ro doanh nghiệp gặp phải đối mặt nằm ở phạm vi rộng hơn trên nhiều khía cạnh khác nhau. Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Nguyễn Cẩm Trang thông tin về một số hình thức rủi ro mà doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý.
Đầu tiên là những rủi ro từ biến động toàn cầu. Hiện nay, thế giới biến động nhanh, phức tạp, những xung đột thương mại và quân sự đều ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, cung cầu hàng hoá trên thị trường, qua đó ảnh hưởng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Hơn nữa, mỗi quốc gia theo đuổi mục tiêu chính sách tiền tệ khác nhau dẫn đến rủi ro thị trường tài chính, ảnh hưởng đến tỷ giá và chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng. Từ quý 3/2022, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sụt giảm, trong đó nguyên nhân chủ yếu do lạm phát tại các thị trường nhập khẩu lớn, làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, tham gia thương mại quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ biến động thị trường để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
Thứ hai, rủi ro trong thanh toán và vận chuyển, điển hình là vụ việc xuất khẩu 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia hay nông sản sang Trung Đông đã từng xảy ra. Trong thương mại quốc tế có nhiều phương thức thanh toán khác nhau, trong đó có những kẻ hở mà doanh nghiệp khó lường trước được.
Bộ Công Thương và các thương vụ đã liên tục có cảnh báo về vấn đề này song vẫn có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra. Một phần do tâm lý chủ quan, phần nữa từ hiểu biết trong giao dịch thương mại. Hay có trường hợp đã nắm được thông tin nhưng thực tế, những phát sinh xảy ra ngày càng phức tạp và đa dạng hơn mà doanh nghiệp không lường trước được.
Thứ ba, liên quan đến giao dịch thương mại biên giới. Đến nay vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp giao dịch không có hợp đồng ngoại thương hay chính ngạch. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến những tranh chấp về giá cả khi không ký kết rõ ràng về chất lượng, giá cả, điều kiện giao hàng… Những vấn đề này không được giải quyết, rủi ro phát sinh, hàng chưa giao được cho đối tác khiến doanh nghiệp mất thời gian, chi phí vận chuyển, chi phí lưu công lưu bãi tại cửa khẩu.
Cuối cùng, rủi ro phát sinh khi doanh nghiệp chưa kịp thời nắm bắt quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nước bạn khiến cho hàng hoá không xuất được, thậm chí hàng sang đến nơi bị trả lại. Rủi ro này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà có thời điểm ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu nếu đối tác tạm ngừng nhập khẩu.
“Khi chúng ta hội nhập vào nhiều sân chơi trên thế giới với nhiều quy định pháp luật khác nhau thì doanh nghiệp càng cần trang bị biện pháp phòng ngừa rủi ro” – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang cho biết.
Từ thực tế trên, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp và an toàn nhất để giảm thiểu rủi ro cho mình trong giao dịch. Từ những vụ việc lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế đã xảy ra với một số doanh nghiệp Việt Nam, việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh đối tác, không nên ỷ lại mà cần yêu cầu doanh nghiệp trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác…
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa trên, doanh nghiệp cũng cần trang bị kỹ năng ứng phó, giải quyết rủi ro như thông báo cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý rủi ro ở trong và ngoài nước; tìm hiểu hình thức bảo hiểm, công cụ phái sinh cho hàng hoá để giảm bớt thiệt hại…