Điều gì sắp xảy ra với “chúa chổm” China Evergrande?
Mới đây, tòa án ở Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý với China Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Điều gì sẽ xảy ra với gã khổng lồ một thời vang bóng?
Lệnh thanh lý do Tòa án Tối cao thành phố đưa ra hôm thứ Hai, sau khi gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc và các chủ nợ nước ngoài không thống nhất được cách cơ cấu lại khoản nợ khổng lồ của công ty trong các cuộc đàm phán kéo dài 19 tháng trước đó.
China Evergrande đã rơi vào tình trạng vỡ nợ vào năm 2021, gây ra cuộc khủng hoảng tài sản trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Thâm Quyến, với tổng nợ phải trả là 2,39 nghìn tỷ nhân dân tệ (333 tỷ USD), đã nộp đơn xin phá sản ở New York vào cuối tháng 6 năm 2023.
Tòa án đã chỉ định công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu Alvarez&Marsal làm người thanh lý để quản lý công ty, China Evergrande cho biết trong hồ sơ gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Các nhà thanh lý này sẽ có quyền tịch thu tài sản của Evergrande ở Hồng Kông, chẳng hạn như tòa tháp văn phòng của tập đoàn nằm ở khu thương mại Wan Chai và bán chúng để gây quỹ, nhưng những tác động đối với hoạt động kinh doanh rộng lớn của công ty ở Trung Quốc đại lục vẫn chưa rõ ràng.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau khi lệnh thanh lý được ban hành, người thanh lý tạm thời và sau đó là người thanh lý chính thức sẽ được chỉ định để nắm quyền kiểm soát và chuẩn bị bán tài sản của chủ đầu tư để trả nợ. Các nhà thanh lý có thể đề xuất kế hoạch tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ nước ngoài đang nắm giữ khoản nợ 23 tỷ USD ở Evergrande nếu họ xác định công ty có đủ tài sản hoặc một nhà đầu tư cứu tinh nào đó xuất hiện.
Các nhà thanh lý cũng sẽ điều tra các vấn đề của công ty và có thể chuyển bất kỳ hành vi sai trái nào bị nghi ngờ của các giám đốc tới các công tố viên Hồng Kông. China Evergrande có thể kháng cáo lệnh thanh lý, nhưng quá trình thanh lý sẽ tiếp tục trong khoảng thời gian chờ kháng cáo. Cổ phiếu của China Evergrande và các công ty con niêm yết sẽ bị đình chỉ giao dịch sau lệnh thanh lý. Quy tắc niêm yết yêu cầu công ty phải chứng minh cơ cấu kinh doanh với đủ hoạt động và giá trị tài sản.
Số nợ có thể thu hồi được là bao nhiêu?
China Evergrande đã trích dẫn một phân tích của hãng kiểm toán Deloitte trong phiên điều trần tại tòa án Hồng Kông vào tháng 7 năm ngoái, ước tính tỷ lệ thu hồi là 3,4% nếu nhà phát triển bất động sản này bị thanh lý.
Tuy nhiên, sau khi Evergrande cho biết vào tháng 9, đơn vị hàng đầu của họ và chủ tịch Hui Ka Yan bị chính quyền điều tra vì những tội danh chưa xác định, các chủ nợ hiện chỉ mong đợi tỷ lệ thu hồi dưới 3%. Trái phiếu bằng đô la Mỹ của Evergrande được chào giá ở mức khoảng 1 xu trên một đô la vào thứ Sáu tuần trước.
Hầu hết tài sản của Evergrande đã bị các chủ nợ bán hoặc tịch thu, khiến hai đơn vị của họ được niêm yết tại Hồng Kông – Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande và Tập đoàn Xe Năng lượng Mới Evergrande có mức vốn hóa thị trường tổng hợp đã giảm xuống còn 973 triệu USD.
Các nhà thanh lý có thể bán cổ phần của Evergrande ở hai đơn vị này, tuy nhiên có thể rất khó tìm được người mua. Sau khi thanh lý, người thanh lý có thể nắm quyền kiểm soát các công ty con của Evergrande trên khắp Trung Quốc đại lục bằng cách thay thế từng người đại diện theo pháp luật của họ, một quá trình có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm.
Nhìn chung, các chuyên gia phân tích trong ngành cho rằng, sẽ là một thách thức đối với người thanh lý trong việc thay đổi người đại diện vì Quảng Châu, nơi Evergrande đặt trụ sở, không phải là một trong ba thành phố của Trung Quốc công nhận lẫn nhau các lệnh thanh lý với Hồng Kông. Và ngay cả khi người thanh lý sở hữu các căn hộ có dự án trong nước, nhiều căn hộ trong số này đã bị các chủ nợ tiếp quản, bị tòa án phong tỏa, không còn giá trị gì hoặc thậm chí còn âm vốn chủ sở hữu do giá bất động sản giảm.
Hệ lụy cho thị trường vốn Trung Quốc
Cuối cùng, việc xóa sổ nhà phát triển bất động sản đã từng sở hữu khối tài sản trị giá 240 tỷ USD, có thể sẽ gây ra làn sóng chấn động trên thị trường vốn vốn đã mong manh của Trung Quốc.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản nợ đáo hạn trị giá 100 tỷ USD trong năm nay và nguồn tài chính của chính quyền địa phương cũng có khoản nợ đến hạn trị giá 650 tỷ USD. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản đã bắt đầu lan sang hệ thống tài chính rộng lớn hơn do sự tiếp xúc của các ngân hàng ngầm với lĩnh vực này.
“Với tất cả những vấn đề về khả năng thanh toán sắp xảy ra này, các chủ nợ của China Evergrande có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ gần như bị xóa sổ. Tất cả những điều đó góp phần vào cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay trên thị trường vốn của Trung Quốc”, Brock Silvers, giám đốc đầu tư của quỹ Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.