Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần – Phải minh bạch mọi thông tin
Xoay quanh đề xuất EVN được tự điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần trong biên độ từ 1% đến dưới 5%, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thông qua và áp dụng, mọi thông tin liên quan cần phải được minh bạch…
Theo đó, Dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành mới đây đề xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần (3 tháng/lần).
Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm. Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá…
Nhận định về đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đây là điểm mới đáng quan tâm bởi có thể giúp giá điện sát với cơ chế thị trường. Đồng thời, có thể xóa đi tâm lý lo lắng của người dân về việc mỗi khi ngành điện điều chỉnh giá là sẽ chỉ có tăng, không giảm.
Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đã nêu, góp ý Dự thảo, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, nếu đề xuất này được thông qua và đưa vào áp dụng, các thông tin trong ngành điện cần được công khai minh bạch bằng nhiều hình thức như: báo cáo đến cơ quan chức năng, các thông tin vận hành hệ thống điện và thị trường điện… để các bên liên quan, người dân nắm bắt dễ dàng, chính xác và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát, tránh việc EVN cứ than lỗ và đề xuất tăng giá điện mà người dân không rõ lý do cụ thể, chi tiết.
Thông tin về vấn đề này, TS Ngô Tuấn Kiệt – Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng, việc minh bạch thông tin cần thể hiện rõ trên hệ thống hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nếu EVN công khai càng chi tiết thì người dân càng dễ đánh giá được kết quả kinh doanh của EVN lỗ lãi thế nào, việc tăng, giảm giá điện vì thế cũng dễ nhận được sự đồng thuận của dư luận hơn.
“Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì việc điều chỉnh sẽ rất dễ, rất thuận lợi cũng và làm cho sự quản lý Nhà nước thêm thuận lợi hơn”, TS Ngô Tuấn Kiệt bày tỏ.
Còn theo, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đề xuất của Bộ Công Thương cho phép EVN được tăng, giảm giá điện là tích cực, nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân, doanh nghiệp.
“Không ai muốn tăng giá điện cả. Nhưng cuộc chơi phải sòng phẳng, EVN cũng là doanh nghiệp nên không có chuyện họ đứng ra để bù lỗ. Chỉ có điều là EVN cần phải công khai, minh bạch thông tin để người dân, doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền cao hơn kiểm tra, giám sát”, TS Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.
Để thực hiện được việc này, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các đơn vị chức năng như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải xem xét kỹ lưỡng mọi con số, vì biến động giá của ngành điện chủ yếu phụ thuộc vào biến động của giá nhiên liệu đầu vào, còn các chi phí cấu thành khác rất ít biến đổi do đã có sự cố định như chi phí quản lý, giá định mức…
Đồng các quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng đánh giá, việc cho EVN được tự quyết tang, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% trong một quý theo xu hướng thị trường cũng là điều hợp lý, tuy nhiên, muốn tăng, giảm như thế nào thì cần phải công khai số liệu đầu vào vì đó là cơ sở để điều chỉnh đầu ra cho phù hợp.