Dành khoảng 145 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ lao động mất việc
Tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động bị mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng có thể được nhận hỗ trợ từ 1 – 3 triệu đồng/người.
Đây là nội dung chính của tờ trình hỗ trợ người lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, đang chờ Ðoàn Chủ tịch thông qua. Đây là gói hỗ trợ nối tiếp Quyết định 06/NQ-TLÐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành cho lao động mất việc, bị cắt giảm việc làm từ ngày 1/4 – 31/12/2023 trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn. Dự kiến tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ này khoảng 145 tỉ đồng.
Do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột giữa Nga – Ukraine lạm phát và giá cả tăng cao tại các thị trường lớn khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đã tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng của tất cả mặt hàng chế biến chế tạo xuất khẩu chủ lực, bao gồm may mặc và giày da (giảm 6,8% so với cùng kỳ), máy tính và hàng điện tử khác (giảm 4,6% so với cùng kỳ), đồ gỗ (giảm 7,7% so với cùng kỳ). Sụt giảm xuất khẩu tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của doanh nghiệp và việc làm của người lao động, tập trung trong các ngành chế biến chế tạo ở các địa bàn xuất khẩu trọng điểm.
Số liệu về lao động của 63 tỉnh, thành do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm, có 509.903 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp.
Cùng với đó, số lượng đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 59% từ quý 1 đến quý 2 năm 2023. Mức tăng trên không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có người hưởng trợ cấp trong quý 2 tăng đến trên 62% so với quý trước.
Các dự báo của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính đều nhận định, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2023. Thị trường lao động vì thế tiếp tục gặp nhiều thách thức; tình trạng thiếu, mất việc làm tiếp tục diễn ra cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Trước thực tế trên, Ngân hàng Thế giới mới đây có những khuyến nghị chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm. Trong đó nhấn mạnh chính sách hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội.
Tờ trình hỗ trợ người lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mới đây có đối tượng hỗ trợ, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự thủ tục hồ sơ được giữ nguyên theo Nghị quyết số 06/NQ-TLÐ đã được thực hiện.
Theo đó, mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn từ 1 – 3 triệu đồng. Đối với trường hợp không phải là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ trên.
Người lao động không là đoàn viên công đoàn nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) thì được hưởng mức hỗ trợ như đoàn viên công đoàn.
Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/4 – 31/12/2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất ngày 31/3/2024.