Công viên Thống Nhất kinh doanh ngày càng èo uột
Trong hơn nửa thập niên trở lại đây, doanh thu của công viên Thống Nhất đã giảm gần một nửa. Trong đó, thu từ hoạt động bán vé vui chơi, cho thuê địa điểm đã giảm mạnh.
Với diện tích trên 50 ha, công viên Thống Nhất hiện là công viên cây xanh có diện tích lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội. Với vị trí trung tâm tại quận Hai Bà Trưng, tiếp giáp 4 mặt phố lớn, gồm Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn và Đại Cồ Việt, công viên Thống Nhất là địa điểm thu hút nhiều khách tham quan.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, báo cáo tài chính của công viên này cho biết số lượng khách tới tham quan công viên đã giảm đáng kể, đi cùng với đó là các hoạt động cho thuê địa điểm cũng giảm nhiều so với trước.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm gần nhất của công viên Thống Nhất cho biết, trong năm 2020, công viên này chỉ ghi nhận hơn 33 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 25% so với năm liền trước.
Đi cùng mức suy giảm doanh thu này là khoản lợi nhuận sau thuế giảm gần 63%, chỉ đạt 491 triệu đồng.
Trong hoạt động kinh doanh, hai nguồn thu chính của công viên Thống nhất là doanh thu duy trì và doanh thu kinh doanh. Trong đó, doanh thu duy trì đến từ nguồn tiền ngân sách dùng để duy trì vườn hoa, thảm cỏ công viên, cũng như tiền trang trí các dịp lễ, Tết.
Năm 2020, trong khi doanh thu duy trì vườn hoa và thảm cỏ công viên vẫn ghi nhận ở mức hơn 17 tỷ đồng, doanh thu trang trí lễ tết đã giảm 14% với nguyên nhân chính do dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động tại công viên bị ngưng chệ.
Tuy vậy, lý do chính khiến doanh thu hợp nhất của công viên này giảm mạnh trong năm 2020 chính là nguồn thu từ khách tới tham quan và cho thuê địa điểm đã giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu kinh doanh trong năm 2020 của công viên Thống Nhất đã giảm hơn 40% so với năm liền trước, chỉ mang về gần 10,8 tỷ đồng.
Trong đó, hầu hết nguồn thu đều sụt giảm như hoạt động văn hóa giảm 19%; dịch vụ ăn uống giảm 44%. Đặc biệt, 2 khoản thu liên quan trực tiếp tới số lượng khách tới tham quan công viên là vé vui chơi và cho thuê địa điểm đã giảm hơn một nửa so với năm liền trước. Năm 2020 cũng là năm công viên Thống Nhất ghi nhận doanh thu từ hoạt động ván vé vào cửa thấp nhất kể từ năm 2014.
Thực tế, doanh thu của công viên này đã giảm liên tục trong nhiều năm gần đây. Trong giai đoạn trước năm 2015, bình quân công viên Thống Nhất đều thu về trên 60 tỷ đồng mỗi năm, trong đó, doanh thu duy trì từ ngân sách chiếm xấp xỉ 80%, tương đương gần 50 tỷ/năm.
Tuy nhiên, từ năm 2016, nguồn thu này đã bị cắt giảm đáng kể xuống dưới 30 tỷ/năm.
Cùng với thay đổi này, doanh thu hợp nhất của công viên Thống Nhất cũng giảm liên tục về mức trên dưới 45 tỷ/năm trong giai đoạn 2016-2019 và giảm sâu về mức 33 tỷ đồng năm 2020.
Trong bối cảnh doanh thu duy trì bị cắt giảm, công viên Thống Nhất phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh từ khách tham quan để tăng thu từ dịch vụ văn hóa, vé vào cửa, ăn uống, cho thuê địa điểm… Tuy nhiên, số thu này không tăng trưởng nhiều so với giai đoạn trước.
Đỉnh điểm hoạt động kinh doanh của công viên Thống Nhất là năm 2018 với gần 19 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, tăng 25% so với năm liền trước. Đến năm 2019, công viên cũng ghi nhận được 18 tỷ đồng từ các hoạt động này. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, số thu đã giảm mạnh còn chưa đầy 11 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất công viên này công bố, trong 6 tháng đầu năm 2021, công viên ghi nhận hơn 17 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ và mang về khoản lãi ròng chỉ 178 triệu đồng.
Công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng từ năm 1958 và khánh thành 2 năm sau đó. Hiện tại, công viên này do Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất quản lý dưới mô hình doanh nghiệp Nhà nước. Tính đến cuối tháng 6/2021, công ty có tổng tài sản hơn 50 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ là gần 33,5 tỷ đồng.
Nguồn: Zingnews.vn