Cổ phiếu MSR tiếp năng lượng với tin làm pin cho xe Vinfast

MSR, cổ phiếu khoáng sản của Tập đoàn Masan (MSN) đã phi mã hơn 30% chỉ sau 2 ngày thông tin hợp tác làm pin xe điện cho hãng Vinfast của nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng. 

Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp của 2 tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng – Nguyễn Đăng Quang có hợp tác với nhau.

Cổ phiếu MSR tiếp năng lượng với tin làm pin cho xe Vinfast

Cổ phiếu MSR nạp năng lượng cho nhà đầu tư trên “đường chạy” thị giá

Gần nhất, thương vụ đình đám chuyển nhượng VinCommerce từ tay VinGroup về Masan Group, đã tạo nền tảng cho Masan hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng tích hợp với nhiều công ty tỷ đô.

Tuy nhiên, thông tin mới được CTCP Masan High-Tech Materials (MHT, mã cổ phiếu MSR – UpCOM) công bố tại kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2023 hôm 18/4, hé lộ về tiềm năng hợp tác sản xuất pin cho Vinfast và mục tiêu đạt doanh thu 18.200 tỷ đồng năm 2023, đã tạo năng lượng tích cực khiến ngay lập tức từ 19/4, cổ phiếu MSR khởi động “đường chạy” mới.

Dữ liệu giao dịch chứng khoán ghi nhận đầu phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu MSR đã tăng hết biên độ lên 13.300 đồng/cp, tăng 14,7% so với giá tham chiếu.

Như vậy đây đã là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của MSR sau phiên giao dịch ngày 19/4. Và tính từ giá tham chiếu phiên 19/4 của MSR là 10.500 đồng/cp, giá cổ phiếu hiện nay đã tăng lên 13.300 đồng/cp, tương ứng với mức tăng gần 27% chỉ sau 2 ngày.

Năm 2022, nhờ nhu cầu và giá các sản phẩm Vonfram tiếp tục tăng mạnh nên Masan High-Tech Materials đã đạt doanh thu kỷ lục là 15.550 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng (tăng 15%) so với năm tài chính 2021.

Trên cơ sở thành công của dự án tinh luyện Vonfram và sản xuất các dòng sản phẩm Vonfram công nghệ cao, Masan High-Tech Materials dự kiến triển khai Dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất Châu Á tại Thái Nguyên. Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.

Tại ĐHĐCĐ 2023, ngoài hợp tác với Vinfast, lãnh đạo MHT cũng cho biết MSR cũng đã cung cấp vật liệu cho các nhà sản xuất xe điện khác.

Trong bối cảnh dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình bất ổn, áp lực lạm phát toàn cầu, MSR đặt ra hai kịch bản kinh doanh.

Kịch bản thứ nhất, MSR đặt mục tiêu 16.500 tỷ đồng doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ và bỏ ngỏ con số lợi nhuận.

Kịch bản thứ hai, công ty lên kế hoạch 18.200 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng; tăng lần lượt 17% và 186% so với năm ngoái.

Cổ phiếu MSR tiếp năng lượng với tin làm pin cho xe Vinfast

Masan High-Tech Materials dự kiến đạt doanh thu thuần từ 16.500-18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: MHT

Về việc tạm ứng cổ tức năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua việc giao và cho phép HĐQT ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, quyết định tỷ lệ tạm ứng cổ tức cụ thể, thời gian, phương thức chi trả và các vấn đề khác liên quan đến tạm ứng cổ tức.

ĐHĐCĐ của MSR thông qua các kế hoạch không chia cổ tức, dù  đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3.031 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ đông MSR cũng thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty (vào thời điểm chào bán) cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện công ty có gần 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tương đương số cổ phần chào bán riêng lẻ tối đa là 110 triệu cổ phiếu.

Công ty có thể chào bán một hoặc nhiều lần với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của công ty.

Thời điểm chào bán là trong năm 2023 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ phục vụ cho các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty; đầu tư góp vốn vào các công ty con; nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh của công ty; và/hoặc tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của công ty; và/hoặc phục vụ M&A.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành tối đa 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương gần 11 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, ngang mệnh giá.

Thời điểm phát hành sẽ do HĐQT quyết định sau khi được UBCKNN chấp thuận. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Về kế hoạch kinh doanh 2023, ngoài câu chuyện hợp tác Vinfast, MSR cũng được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi để đạt mục tiêu theo một trong 2 kịch bản, đó là chất xúc tác như việc Trung Quốc mở cửa trở lại, chu kỳ tuần hoàn của hàng hoá sẽ quay trở lại và giá cả sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp – theo lãnh đạo MSR.

Năm 2023, không chỉ MSR đặt mục tiêu kinh doanh tích cực. Tập đoàn Masan cũng dự báo sơ bộ mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất của ước tính sẽ từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31% so mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong đó The Crown-X vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu. Dự báo của Tập đoàn cũng cho biết Masan High-Tech Materials với các sáng kiến chủ chốt sẽ là tập trung tối ưu hóa chi phí, tích hợp Nyobolt và không ngừng chuẩn bị cho hoạt động tái chế phế liệu vonfram và chất thải đen. MHT cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội bán lượng đồng tồn kho ở thị trường trong nước và quốc tế và đang là một trong những đơn vị giàu triển vọng dài hạn.

 Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button