Chữ ký điện tử: Đừng tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp!
Nếu dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy được thông qua, hàng năm ước tính một ngân hàng có thể phải chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Số tiền này ngân hàng sẽ thu lại từ người dân và doanh nghiệp (DN)…
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có Văn bản số 332/HHNH-PLNV phúc đáp công văn số 2358/BTTTT-NEAC ngày 17/06/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Văn bản của VNBA nêu rõ, trên cơ sở ý kiến phản ánh của các ngân hàng, VNBA tiếp tục giữ nguyên quan điểm như góp ý tại các Công văn số 243/HHNH-PLNV ngày 10/5/2024, Công văn số 251/HHNH-PLNV ngày 15/5/2024, Công văn số 289/HHNH-PLNV ngày 3/6/2024:
Theo VNBA, việc dự thảo Nghị định quy định như nêu tại công văn 2358/BTTTT-NEAC là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 (luật không cấm). “Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như làm tăng chi phí cho người dân và DN khi thực hiện giao dịch điện tử với các TCTD.” – Văn bản của VNBA nhấn mạnh.
Theo đó, ngay khi Luật Giao dịch điện tử 2023 và dự thảo Nghị định có hiệu lực, người dân và DN giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng (CA) và áp dụng vào các giao dịch trực tuyến với Ngân hàng sẽ dẫn đến việc tốn kém chi phí cho toàn thể người dân và DN.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký VNBA, các chi phí này người dân và DN phải chi trả, ngân hàng không thể và không bao giờ chi trả chi phí này.
“Theo ước tính một ngân hàng có thể phải chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng hàng năm (và sẽ thu lại từ người dân và DN), vậy khi thực hiện, người dân và DN phản ứng, dư luận xã hội lên tiếng do trước khi Nghị định có hiệu lực thì họ không phải mất chi phí, nhất là trong bối cảnh hiện nay các DN và thu nhập của người dân còn gặp nhiều khó khăn…” – ông Hùng cho hay.
Được biết, hiện có khoảng gần 80% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Nếu theo quy định của dự thảo Nghị định, thì các loại nghiệp vụ chủ yếu của TCTD như nhận tiền tiết kiệm, nhận tiền gửi, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ… đều yêu cầu có chữ ký điện tử khi giao kết giao dịch.
VNBA cho biết, theo báo cáo của 1 trong 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thì đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của ngân hàng này ước tính khoảng 12 triệu khách hàng, với số lượng giao dịch 6,5-7 triệu giao dịch/ngày (cả năm khoảng 2,3 tỷ giao dịch, bình quân 500 giao dịch/giây).
Như vậy khi dự thảo Nghị định có hiệu lực, với mức chi phí khảo sát qua các CA trên thị trường từ 550.000-1.800.000 VND/năm thì hàng năm khách hàng của ngân hàng này phải chi trả dịch vụ CA Provider lên đến từ 6.600 – 21.600 tỷ đồng chưa kể các chi phí khác phát sinh liên quan đến đầu tư hạ tầng, phát triển, vận hành hệ thống nội bộ cho ngân hàng và trang cấp chứng thư số cho cán bộ trong nội bộ.
Còn theo báo cáo của một ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng này ước tính có khoảng 10,2 triệu khách hàng, lượng giao dịch trung bình phát sinh khoảng 750 triệu giao dịch tài chính/năm, tương đương trung bình khoảng 500 giao dịch/giây (số lượng giao dịch mà hệ thống có thể phải xử lý trong một giây cũng là số lượng giao dịch tối thiểu mà các Công ty CA phải có khả năng xử lý). Chi phí dự kiến phát sinh trong trường hợp toàn bộ các giao dịch trên phải sử dụng chữ ký số, nếu mua chữ ký số theo năm (800.000 đồng/năm – đơn giá trung bình của các nhà cung cấp CA/ Mobile CA), tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số cho 10,2 triệu khách hàng là khoảng 8.160 tỷ đồng;
Nếu mua chữ ký số theo giao dịch: 2.500 đồng/lần ký (đơn giá trung bình ký theo lần từ các nhà cung cấp Mobile CA), tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số 1.875 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí sửa đổi các hệ thống để có thể tích hợp việc sử dụng chữ ký số cũng như lưu trữ các giao dịch đã thực hiện, chưa có con số chính xác nhưng dự kiến sẽ trên 10 triệu USD.
“Đây là mức chi phí vô cùng lớn, nếu tính cả hệ thống các TCTD thì hàng năm chi phí này sẽ lên đến bao nhiêu? Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN…” – Văn bản của VNBA nhấn mạnh.
Ngoài ra, văn bản góp ý của VNBA cũng cho rằng Dự thảo Nghị định không đáp ứng tính kịp thời trong việc cung cấp chứng từ, chứng cứ chứng minh khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp với khách hàng; Hoạt động giao dịch của ngân hàng phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba về cung cấp chữ ký số công cộng gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng; Tính ứng dụng của quy định về chữ ký điện tử chuyên dùng không khả thi về mặt thực tiễn nếu phạm vi sử dụng bị hạn chế“VNBA hoàn toàn đồng tình và ủng hộ hướng tới một xã hội văn minh mỗi người dân nên có 01 chữ ký số sử dụng cho các giao dịch công ích cũng như kinh doanh, song cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và DN…” – VNBA bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến Luật giao dịch điện tử 2023, VNBA cho rằng Luật đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
“Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 01 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các qui định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và DN.” – Văn bản của VNBA nhấn mạnh.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam