Chiến tranh thông tin, tràn lan tin giả liên quan cuộc chiến Ukraine – Nga
Bất kỳ ai có một chiếc điện thoại có kết nối Internet đều có thể cập nhật từng phút diễn biến liên quan xung đột vũ trang đang diễn ra tại Ukraine.
Trên các nền tảng mạng xã hội, số lượng bài đăng vượt ra khỏi khả năng xử lý hay kiểm tra thông tin của nhà quản lý. Các dạng bài này pha trộn đủ loại thông tin: thật, giả, sai lệch ngữ cảnh và cả thông điệp tuyên truyền.
Big Tech nói rằng họ đang cố gắng giúp người dùng nhận biết tin giả liên quan cuộc chiến Ukraine – Nga, thông qua việc dán nhãn và xác minh dữ kiện (fact checking). Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết nền tảng mạng xã hội này đã tăng thêm nhân lực kiểm tra thông tin, đồng thời cảnh báo người dùng nếu họ chia sẻ các bức ảnh cũ liên quan đến một cuộc chiến khác (một dạng thông tin sai lệch phổ biến).
Dưới đây là một số cách thức cơ bản để người đọc có thể tỉnh táo không chia sẻ những thông tin sai lệch liên quan cuộc khủng hoảng địa chính trị này:
Hãy chậm lại
Đừng vội ấn nút Share (chia sẻ). Phương tiện truyền thông xã hội được xây dựng để người dùng nhanh chóng chia sẻ các nội dung mà chưa chắc họ đã kịp đọc xong. Cho dù 1 video trên TikTok, Tweet hay YouTube có sức tàn phá, kinh ngạc hay đáng phẫn nộ thế nào, bạn cũng nên chậm lại trước khi đưa nó vào mạng lưới của mình. Hãy giả định mọi thứ cần phải nghi ngờ cho tới khi xác nhận được tính xác thực của nội dung đó.
Kiểm tra nguồn
Trong cuộc xung đột vũ trang trên thực địa, cả hai bên đều tung ra nhiều thông tin gây nhiễu. Người đọc nên tiếp cận từng bài đăng với thái độ hoài nghi, khi rất nhiều chuyên gia chính trị, các nhân vật nổi tiếng trên Internet cũng đang đăng những thông tin không chính xác.
Ngay cả khi người đăng là người có chuyên môn hay một chuyên gia, cũng cần nhớ rằng phải có sự xác nhận từ nhiều nguồn khác nhau. Dấu tích xanh (chứng nhận tài khoản chính chủ) cũng không khiến nội dung được đăng từ tài khoản đó trở nên đáng tin cậy trong trường hợp này.
Hãy cảnh giác với những thứ kiểu như các ảnh chế từ chụp màn hình khi chúng có thể tạo ra phản ứng cảm xúc đặc biệt mạnh. Thông tin biến dạng có thể là mồi nhử để người đọc lan truyền nội dung sai lệch.
Xây dựng “bộ sưu tập” nguồn tin đáng tin cậy
Tự thực hiện kiểm tra mọi nội dung và tài khoản trên mạng xã hội là 1 việc làm cực kỳ tốn thời gian và công sức, đặc biệt trong bối cảnh thông tin mới ồ ạt đến từ nhiều nguồn. Thay vào đó, hãy xem xét thông tin đăng tải trên các tổ chức tin tức chính thống, hợp pháp do họ có chuyên gia và thường chỉ đăng tải video, hình ảnh được chụp thực tế, sau khi đã xác minh nguồn gốc.
Một trong những cách tốt nhất để đọc tin tức nóng hổi về tình hình chiến sự, là theo dõi các phóng viên đã được xác thực của các cơ sở tin cậy.
Mặc dù vậy, vẫn cần giữ nguyên tắc thái độ hoài nghi, vì thông tin của truyền thông các bên có thể mang thông điệp tuyên truyền và nội dung thiên lệch.
Tìm kiếm bối cảnh
Có thể có hàng ngàn bài đăng hợp pháp liên quan vụ xung đột, gồm cả video thực tế về quân đội và lời kể của người dân địa phương. Nhưng ngay cả như vậy, thông tin vẫn có thể gây nhầm lẫn hoặc hiểu lầm. Hãy cố gắng liên hệ tất cả nội dung trong các bài đăng này với bối cảnh rộng hơn của những gì đang xảy ra. Các video, tin tức có thể là mảnh ghép hấp dẫn nhất, nhưng chúng không phải toàn bộ bức tranh. Người đọc sẽ cần kết hợp cả với thông tin cung cấp bởi chuyên gia có uy tín về chính sách đối ngoại, chiến tranh, lịch sử hay chính trị.
“Soi” video và hình ảnh
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn những gì bạn thấy, hãy bắt đầu với việc tìm kiếm dấu hiệu video, hình ảnh đã bị chỉnh sửa, cắt ghép, lắng nghe âm thanh kỹ lưỡng và dùng một phần mềm bên thứ 3 để kiểm tra. Mặc dù vậy, với các video được phát trực tiếp (live stream) thì điều này sẽ khó khăn hơn.
Để kiểm tra hình ảnh, chỉ cần kéo vào ô tìm kiếm hình ảnh trên Google, bạn có thể xác định hình ảnh này đã từng được lưu hành hay chưa.
Vinh Ngô(Theo WashingtonPost)