Chiến lược đầu tư 2024: Kế hoạch tài chính dựa trên hiệu suất rủi ro
Năm 2024, nhà đầu tư cần nhìn tổng quan về thị trường để lập được kế hoạch tài chính, mục tiêu đầu tư, xây dựng hồ sơ rủi ro, cơ cấu các lớp tài sản phù hợp và thiết lập một danh mục vững chắc.
LTS: Bất kỳ hình thức đầu tư sinh lợi nhuận nào cũng luôn đi cùng với rủi ro. Song mức độ rủi ro cao hay thấp, lợi nhuận ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư mỗi người lựa chọn.
Nhìn lại năm 2023, ở giai đoạn nửa đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm trước đó.
Chuẩn bị kế hoạch tài chính
Năm 2024 bắt đầu, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với chiến lược đầu tư mới bao gồm các bước quan trọng đó là: Bước một, lập kế hoạch tài chính, mọi người có thể sử dụng các công cụ khác nhau để nhìn thấy toàn cảnh bức tranh tài chính của mình, xác định được các mức tài sản tiêu dùng và tài sản đầu tư là bao nhiêu. Trong đó, tài sản đầu tư sẽ tạo ra thu nhập còn tài sản tiêu dùng tạo ra chi phí; nếu tài sản đầu tư nhỏ hơn tài sản tiêu dùng thì cần tăng trưởng tài sản đầu tư lên.
Bước hai, lập kế hoạch đầu tư và mục tiêu đầu tư. Theo góc nhìn cá nhân tôi, chúng ta cần phân định rất rõ về ngắn hạn và dài hạn – vấn đề mà nhiều người vẫn đang vướng mắc ở điểm này. Ví dụ, mục tiêu ngắn hạn là mua tài sản như ô tô hay trung hạn là mua nhà, hoặc mục tiêu cao hơn nữa là tự do tài chính.
Nếu đầu tư mà không có mục tiêu sẽ rất khó xác định khi sinh lời sẽ làm gì, dẫn đến việc chúng ta không tận dụng được quy luật quan trọng của đầu tư tài chính đó là “lãi kép”.
Bước ba, thiết lập hồ sơ rủi ro. Thực tế nhiều nhà đầu tư thường chỉ có hai xu hướng là “quá an toàn” hoặc “quá rủi ro” và thường xuyên đặt câu hỏi đầu tư vào đâu nhưng không có tư duy danh mục cho riêng mình, tương tự như phương châm “không bỏ trứng vào một giỏ”.
Giả sử năm 2023, giá vàng tăng nhưng năm 2024 có thể cổ phiếu sẽ là tài sản tăng trưởng tốt, vì vậy việc chuyển dịch giữa các tài sản trong một kỳ hạn dài sẽ giúp nhà đầu tư đạt được mục tiêu hiệu quả. Tôi cần phải nhấn mạnh bước này bởi vì mọi người thường xuyên quên việc xây dựng hồ sơ rủi ro của mình.
Bước cuối cùng là chuẩn bị các danh mục, để từ đó phân bổ tài sản và có tỷ trọng nắm giữ phù hợp từ cổ phiếu, trái phiếu, đến vàng hay tiền gửi,…
Chiến lược theo hiệu suất rủi ro
Theo đánh giá của AFA Capital, khi xây dựng danh mục đầu tư trong năm mới này, chúng ta sẽ phân bổ tài sản dựa trên hiệu suất hồ sơ rủi ro của từng nhà đầu tư. Chúng tôi đưa ra các gợi ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, với hiệu suất hồ sơ rủi ro an toàn, chúng ta sẽ tăng tỷ trọng nắm giữ vàng trong danh mục ở mức 15%; tỷ trọng tiền gửi là 75% vì lãi suất đang ở khu vực thấp; và trái phiếu là 10%.
Thứ hai, với hiệu suất hồ sơ rủi ro thận trọng, tỷ trọng nắm giữ vàng sẽ là 20%, tiền gửi ở mức 50%; trái phiếu 10% và cổ phiếu 20%.
Thứ ba, với hiệu suất hồ sơ rủi ro thận trọng vừa phải, tỷ trọng nắm giữ tiền gửi sẽ là 40%; trái phiếu 10%; vàng 15%; và cổ phiếu 35%.
Thứ tư, hiệu suất hồ sơ rủi ro cân bằng sẽ có tỷ trọng tiền gửi 40%; trái phiếu 10%; vàng 15%; và cổ phiếu 35%.
Thứ năm, là hiệu suất hồ sơ rủi ro tăng trưởng sẽ tăng cường tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu lên 50%; vàng 10%; trái phiếu 10% và tiền gửi 25%.
Thứ sáu, riêng hiệu suất hồ sơ rủi ro tăng trưởng mạnh thì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu sẽ tăng mạnh lên 55%; vàng 10%, trái phiếu 10%; và tiền gửi 25%.
Chúng tôi định hướng năm nay sẽ tăng tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư bởi vì có một số yếu tố rất ủng hộ cho giá vàng, đó là sự không chắc chắn và lo ngại khủng khoảng như xung đột Nga – Ukraine diễn ra từ năm 2022, cuộc chiến giữa Israel – Hamas năm 2023, hay các vấn đề vẫn đang tiếp tục có diễn biến không thuận lợi cho việc bình ổn kinh tế. Ở góc độ thị trường, cả chính sách tiền tệ thế giới và chính sách tiền tệ Việt Nam đều có sự biến động lớn.
Ngoài ra, TTCK vẫn trong xu hướng phục hồi trong khi độ biến động của thị trường đang tăng, ảnh hưởng tích cực đến giá vàng; các ngân hàng trung ương tạm dừng mua vào vàng; lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh và sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đang giảm.
Do vậy năm 2024 vàng sẽ vẫn là tài sản phòng thủ, đồng thời có thể tăng thêm tỷ trọng vào các lớp cổ phiếu trong bối cảnh tiền gửi có hiệu suất thấp và thị trường cổ phiếu đang ở mức có thể tích lũy trong dài hạn. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào sự phục hồi thu nhập của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tốt hơn.