Chỉ khoảng 1% giao dịch thương mại của Việt Nam dùng bảo hiểm tín dụng

Theo bà Vũ Thị Đức Hạnh – Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam, bảo hiểm tín dụng thương mại là một “tấm lá chắn” giúp đội ngũ kinh doanh của doanh nghiệp tự tin hơn khi bán hàng cho đối tác.

Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2022, với tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 8,0%. Mặc dù tốc độ này đã giảm vào những tháng đầu năm 2023, chủ yếu do sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu nhưng từ nửa cuối năm 2023, tình hình hứa hẹn sáng sủa hơn. Sự phục hồi và tăng tốc các đơn hàng xuất khẩu, thương mại, dịch vụ… đặc biệt mạnh lên kể từ tháng 8, trong đó có nhiều thị trường được dự báo sẽ có nhu cầu bổ sung lượng hàng hóa lớn khi hàng tồn kho giảm và cần được restock cho mùa lễ tết cuối năm, sẽ thúc đẩy lượng giao dịch thương mại của các doanh nghiệp.

Chỉ khoảng 1% giao dịch thương mại của Việt Nam dùng bảo hiểm tín dụng

Một nghịch lý là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và tổ chức tài chính sẵn sàng cung cấp các khoản vay cho các dự án xanh, nhưng các doanh nghiệp không thể tiếp cận các nguồn lực này. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm tín dụng thương mại được xem một nhân tố then chốt đảm bảo ổn định tài chính hiện tại và tăng sức hấp dẫn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Ảnh: Doanh nghiệp ngành nhựa tiếp cận thông tin về bảo hiểm tín dụng thương và tín dụng ESG

Bảo hiểm tín dụng thương mại chưa được quan tâm

Theo đó, các chuyên gia dự báo chu kỳ tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp đang chờ đợi khả năng nắm bắt, thúc đẩy thương mại và đặc biệt sẵn sàng các đơn hàng cho cả năm 2024.

Tuy nhiên, cả trong giai đoạn cần tăng tốc lẫn các giai đoạn giao dịch thương mại bình thường, không ít doanh nghiệp Việt vẫn đang gặp những khó khăn. Thứ nhất là vấn đề về nguồn vốn, khả năng tiếp cận vốn; Thứ hai là rủi ro thanh toán ngày càng tăng cao trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu có nhiều biến động.

Theo bà Vũ Thị Đức Hạnh – Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam, việc tăng trưởng kinh doanh thường thể hiện qua việc bán nhiều hơn cho các khách hàng hiện hữu hoặc đa dạng hóa để tăng cơ sở khách hàng. Cả hai đều có thể mang lại những rủi ro bổ sung. Doanh số tăng lên đối với một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng nhỏ có thể làm cho một doanh nghiệp trở nên dễ tổn thương. Chỉ cần một khách hàng phá sản hoặc không thanh toán một hóa đơn lớn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của họ.

Chính vì vậy, thế giới từ lâu đã áp dụng bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI). Năm 2021, gần 3.000 tỉ đô la Mỹ thương mại toàn cầu đã được bảo vệ bằng bảo hiểm tín dụng thương mại. Trong đó, Atradius là nhà cung cấp toàn cầu các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, trái phiếu và bảo lãnh, thu đòi nợ và dịch vụ thông tin, với sự hiện diện chiến lược tại hơn 50 quốc gia, là công ty bảo hiểm TCI lớn thứ 2 thế giới với 25% thị phần toàn cầu. Atradius đã gia nhập vào thị trường Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại, cung cấp một “tấm lá chắn” giúp đội ngũ kinh doanh của doanh nghiệp tự tin hơn khi bán hàng cho đối tác.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp nhận biết, quan tâm và sử dụng dịch vụ bảo hiểm tín dụng thương mại ở Việt Nam theo ghi nhận vẫn còn rất thấp. Chỉ khoảng 1% giao dịch thương mại của Việt Nam là có dùng bảo hiểm tín dụng.

Việt Nam, theo như các chuyên gia chia sẻ, cũng đã có chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ bảo hiểm tín dụng thương mại này với cơ chế doanh nghiệp sử dụng mất 10 đồng chi phí, Nhà nước chia sẻ chi phí hỗ trợ 2 đồng. Tuy nhiên, quy định để khuyến khích “dùng thử” dịch vụ và tạo thói quen xây dựng “lá chắn” an toàn cho giao dịch thương mại trong những ngày đầu doanh nghiệp vươn ra biển lớn, đã áp dụng khá lâu và ngắt quãng sau 3 năm. Khi không được chia sẻ hỗ trợ phí, doanh nghiệp sẽ lại tháo dỡ “tấm lá chắn” này và chịu các rủi ro cũng chịu hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng, mà không có phương án thay thế.

Doanh nghiệp tăng tốc hút tài chính xanh, cách nào?

Ông Hoàng Minh Anh Tú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Ứng dựng Công nghệ kỹ thuật Nhựa Âu Lạc nhìn từ thực tế doanh nghiệp, cho biết trong khi các doanh nghiệp quốc tế thường xuyên sử dụng dịch vụ TCI, thì doanh nghiệp trong nước lại ít quan tâm hơn. Ví dụ như các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì các doanh nghiệp nội địa ở các quốc gia đều sử dụng bảo hiểm tín dụng thương mại rất phổ biến. Đặc biệt, Trung Quốc còn có hẳn công ty bảo hiểm tín dụng thương mại quốc gia với dịch vụ và chi phí vô cùng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Đó là lý do khiến doanh nghiệp của họ khi ra thị trường quốc tế, rất tự tin trong giao dịch thương mại, sẵn sàng chấp nhận mọi phương thức thanh toán từ L/C cho đến trả chậm, trả sau .v.v, làm tăng thêm lợi thế cạnh tranh. Trong khi doanh nghiệp của ta thì mất đi lợi thế cạnh tranh, do để “chắc ăn”, dễ làm, thường sẽ chọn thanh toán tiện cho người bán nhưng lại không được người mua ưa chuộng; mặt khác, lại cũng dễ có nguy cơ bị rủi ro lừa đảo, chiếm đoạt bộ thanh toán để lấy hàng như nhiều trường hợp vẫn xảy ra”.

Chỉ khoảng 1% giao dịch thương mại của Việt Nam dùng bảo hiểm tín dụng

Nhiều doanh nghiệp nhựa chú trọng chuyển đổi xanh, đặt mục tiêu hàng đầu là thu hút đầu tư xanh và khoản vay xanh từ các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại chưa đáp ứng đủ điều kiện để thu hút tài chính xanh. (Ảnh: Máy tái chế chai nhựa: Lê Mỹ)

Năm 2022 và 2023, hàng loạt vụ chiếm đoạt hàng từ các bộ chứng từ giả ở lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, tiêu, quế… đã diễn ra, với các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Trung Đông… cho thấy rủi ro lừa đảo trong giao dịch thương mại xuất khẩu đang gia tăng. Theo Đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đánh giá, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông hiện đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất. Trước thực trạng rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất.

Bà Vũ Thị Đức Hạnh – Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam cho rằng, khi sử dụng TCI, các doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro, có phương án bảo hiểm giao dịch trên mọi thị trường mà còn thúc đẩy phát triển bền vững. Bên cạnh đó, TCI có thể nâng cao uy tín tín dụng của doanh nghiệp và giúp việc tiếp cận nguồn vốn trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả các khoản tín dụng xanh.

Gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng và mở khóa tài chính xanh cũng là yếu tố mà theo chuyên gia, các doanh nghiệp chuyên ngành, có giao dịch thương mại rộng ở các 2 đầu nhập và xuất khẩu, lẫn có nhu cầu chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, rất chú trọng. Đơn cử như trường hợp của các doanh nghiệp ngành nhựa, theo ông Chung Tấn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM – với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 12-15% trong 5 năm qua, đây vẫn là ngành tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng trong bối cảnh xuất khẩu nhựa giảm 12,2% tính đến tháng 9 năm 2023, ngành nhựa đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư xanh và nguyên nhân phần lớn đến từ việc hạn chế thông tin cho nhà đầu tư đánh giá hiệu suất ESG của các doanh nghiệp nhựa.

“Một trong những yếu tố tăng trưởng quan trọng mà chúng tôi đã xác định với các công ty thành viên cho những năm tới là thu hút thêm đầu tư xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhựa tập trung vào việc cung cấp đầy đủ và minh bạch dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và nhờ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Chỉ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường là chưa đủ; doanh nghiệp nhựa TP.HCM cần cải thiện báo cáo tài chính để thu hút đầu tư”, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp Hội Nhựa TP.HCM Việt Nam chia sẻ.

Hơn bao giờ hết, ngành nhựa Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để đáp ứng các mục tiêu bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang chủ động đối phó với thách thức về rủi ro thanh khoản thông qua việc kết hợp với các tổ chức tài chính trích lập quỹ dự phòng và quản lý rủi ro tín dụng từ khách hàng. Một giải pháp khác đã được triển khai hiệu quả là sử dụng bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI), có thể giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và đảm bảo ổn định tài chính, ông Cường cho biết thêm.

Chủ tịch Hiệp Hội Nhựa TP.HCM cũng chia sẻ trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, trước những ách tắc về tiếp cận vốn, cách đây hơn 1 tháng làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nêu vấn đề về tiếp cận vốn khó với mọi doanh nghiệp, NHNN đã có 1 chuyến làm việc cùng với Hiệp hội nhằm giải tỏa vướng mắc cho doanh nghiệp. Có 1 số doanh nghiệp sau khi chỉ đạo, đã có khởi sắc hơn trong việc tiếp cận vốn nhưng… mới chỉ một phần.

Ông Cường hy vọng thông qua các hoạt động xúc tiến với nhiều nỗ lực như Triển lãm Quốc tế Thiết bị, Công nghệ và Sản phẩm ngành Nhựa tại Tp. Hồ Chí Minh (Plastic Expo 2023) mà có sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ tài chính, thì doanh nghiệp nhựa nói riêng và các doanh nghiệp nói chung sẽ nắm bắt để quan tâm kết hợp bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo lãnh & cam kết thanh toán, và dịch vụ thông tin, qua đó tăng khả năng giải quyết bài toán tài chính, nhất là thu hút tài chính xanh cho đầu tư phát triển bền vững.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button