Cần “thức tỉnh” để thay đổi phương thức xuất khẩu sang… chính ngạch
Để giải quyết “điệp khúc” ùn ứ hàng nông sản tại các cửa khẩu sang con đường chính ngạch, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần “thức tỉnh” để tái cơ cấu lại sản xuất, thay đổi phương thức xuất khẩu.
Không chỉ là câu chuyện sớm chiều, nhiều năm trở lại đây “điệp khúc” ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu phía bắc liên tục lặp đi lặp lại, theo các chuyên gia, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn chỉ đơn thuần là một thói quen, đã đến cần “thức tỉnh” để tái cơ cấu lại sản xuất, thay đổi phương thức xuất khẩu sang con đường chính ngạch.
Thực tế, để đa dạng hoá thị trường, hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc, chúng ta có 15 FTA, nhưng vấn đề đặt ra ở chỗ, các doanh nghiệp làm sao tiếp cận, làm sao hàng hoá đáp ứng yêu cầu của các nước? Trong khi, để giải quyết được vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật một loại hàng hoá là cả quá trình, đôi khi cần có thời gian.
Vậy làm sao để thay đổi một tập quán cố hữu bấy lâu nay, giải quyết được “điệp khúc” ùn tắc hàng nông sản “đến hẹn lại lên”?
Chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” về vấn đề tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) – Lê Minh Hoan cho biết: Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp về thông tin thị trường nông sản các nước, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thờ ơ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định cụ thể đối với từng loại thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Trung Quốc đã chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi, họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột. Doanh nghiệp là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế đó.
“Doanh nghiệp thấy thị trường Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính, tầng lớp trung lưu nhiều, nhu cầu nông sản không như ngày xưa nữa thì chính doanh nghiệp sẽ dẫn dắt người nông dân sản xuất. Ở đây có câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang “dễ dãi với chính mình” khi có tư duy, chấp nhận ùn ứ một chuyến hàng này ở cửa khẩu, nhưng đến chuyến sau lại có lãi và lấy lại được, dù điều này cũng khó khăn chứ không dễ dàng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu tư duy cách sản xuất như vậy thì không thể thay đổi ngày một ngày hai. Và nếu cơ quan Nhà nước đi kiểm tra chất lượng thì việc cũng đã rồi. Cho nên vai trò của hiệp hội ngành hàng là vô cũng quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì, đây là vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Các hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên của mình để dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.
Từ những phân tích đã nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, các hiệp hội, ngành hàng sẽ chung tay giúp cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường nông sản, bởi đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.
“Tôi phát hiện, mọi cái bẫy đối với chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Câu chuyện cơ cấu lại sản xuất nông sản xuất khẩu không phải mới, trước đó, không ít chuyên gia cũng đã đề xuất, cần đổi mới ngay từ trong nội bộ quá trình sản xuất nông nghiệp, theo hướng các doanh nghiệp có uy tín, có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm làm hạt nhân, xung quanh là các hợp tác xã, hộ nông dân.
Đặc biệt, người nông dân phải sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu…
Thực tế, đây là điều này chúng ta đã làm được nhưng chưa thể nhân rộng trên toàn quốc. Nói không xa, như với vải thiều Lục Ngạn, từ chỗ vụ nào cũng “giải cứu”, nhưng từ năm ngoái khi tiến hành thay đổi cách làm, vải thiều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nên khi thành phẩm đã xuất khẩu được sang tới nhiều thị trường dù được cho là khó tính.
Theo các chuyên gia, để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hoạt động sản xuất cần bám vào các tiêu chuẩn theo các cam kết trong các FTA mà chúng ta đã ký kết, căn cứ vào những cam kết trong các FTA để điều chỉnh lại sản xuất. Một khi sản phẩm Việt Nam đủ tiêu chuẩn vào EU, Mỹ thì đương nhiên dễ dàng vào được thị trường như Trung Quốc, có như vậy, bài toán về ùn ứ hàng nông sản tại các cửa khẩu vùng biên phía bắc mới không còn hiện trạng đến hẹn lại lên.
Để đáp ứng các yêu cầu từ hoạt động xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, nhiều chuyên gia cũng đề xuất, ngay từ bây giờ, cần tập trung nghiên cứu sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường, cần biết sản phẩm của chúng ta được tiêu thụ như thế nào, giá cả ra sao, phục vụ đối tượng nào, khối lượng bao nhiêu,… để có thể lên được phương án sản xuất phù hợp, rất cần sự chung tay của hiệp hội, ngành hàng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn