Cần sớm hạ mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
Các DN đang rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn cao… Do đó DN mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất.
Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam cũng có xu hướng giảm.
Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và Châu Âu. Để đảm bảo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận các đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn; giá gia công giảm và cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng, như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải…
Hiện các vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải: Tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp đang rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang quá cao… Do đó doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Theo đó, tôi xin đề xuất một số kiến nghị:
Thứ nhất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ban ngành tiếp tục gia hạn các giải pháp hỗ trợ về giảm, giãn các khoản thuế, phí trong năm 2023; cải cách thủ tục hành chính, giảm chí phí trung gian; tăng cường hậu kiểm. Riêng đối với tiền thuê đất Nhà nước nên xem xét hỗ trợ ở mức dài hơi thay vì 3-6 tháng.
Thứ hai, rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn, giảm chi phí đi vay. Đề nghị Chính phủ, cơ quan thuế xem xét lại chính sách hoàn thuế cho dự án đầu tư mở rộng đối với các Doanh nghiệp xuất khẩu (hiện nay không có chính sách hoàn thuế cho dự án đầu tư mở rộng).
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng; khẩn trương nghiên cứu xây dựng phương án giảm tiền điện – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ viêc làm cho NLĐ nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để doanh nghiệp đỡ khó khăn. Cần kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023.
Thứ năm, đối với các chính sách tiền tệ, tín dụng cần có các giải pháp linh hoạt hơn, nên có các gói tín dụng ưu đãi hơn về lãi suất cho doanh nghiệp đông lao động như Dệt may để hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn (các gói tín dụng không lãi suất của Ngân hàng chính sách áp dụng năm 2020 đầu năm 2021 rất hiệu quả cho DN)
Thứ sáu, để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện tại tỷ lệ đóng quá cao, đặc biệt rà soát thời gian về hưu, điều kiện hưởng lương hưu cho phù hợp với khu vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng người lao động xin nghỉ hàng loạt để rút bảo hiểm xã hội một lần gây biến động lao động rất lớn cho doanh nghiệp.
Thứ bảy, Nhà nước cần xem xét chính sách lãi suất hợp lý với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, giải quyết việc làm cho số đông lao động đặc biệt lao động nữ để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động.
Thứ tám, Nhà nước cần xem xét bổ sung chính sách xã hội hóa đối với Trung tâm y tế trực thuộc doanh nghiệp (chế độ lương và phụ cấp lương, tiền thuê đất của trung tâm y tế, được trừ vào thuế TNDN phải nộp) chăm lo khám sức khỏe cho doanh nghiệp thuộc đối tượng đông lao động nữ.
Thứ chín, cần có chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.