Cần làm gì để phát triển logistics Quảng Ninh?
Để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, cần thúc đẩy chuỗi sản xuất để gia tăng giá trị và tận dụng triệt để lợi thế, tiềm năng của khu vực và địa phương.
Khoảng cách giữa khát vọng và thực tại
Quảng Ninh có tiềm năng lớn trong việc cung cấp dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao. Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên ở Việt Nam vạch ra được kế hoạch cụ thể, bắt đầu bằng việc đầu tư hạ tầng đường bộ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các cửa khẩu cảng và biên giới quốc tế.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Huyền – Quản Lý Kinh Doanh Cấp Cao – KCN DEEP C, thực tế chi phí logistic tại Việt Nam vẫn rất cao so với các nước láng giềng. Chi phí logistics tại Việt Nam xấp xỉ bằng 22-25% GDP cả nước (Thái Lan: dưới 18%). Chi phí vận tải đường bộ cao, phí cảng biển và các hạn chế về cơ sở hạ tầng cảng là nguyên nhân khiến chỉ phí logistics bị đẩy lên cao. Đồng thời, hơn 95% trong số 4.000 công ty vận tải tại Việt Nam có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ, trong khi chất lượng, vốn, ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực khá hạn chế.
Khi vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng cũng cần được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu trong tương lai của các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần. Việt Nam hiện dành gần 6% GDP cho cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, mức chỉ này ở các nước khác trong khu vực trung bình chỉ 2,3%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu ASEAN về đầu tư cơ sở hạ tầng. Đó là cách Việt Nam học tập các nước phát triển thành công như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore: chỉ tiêu cho cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia.
Đại diện DeepC cho biết, giữa cơ sở hạ tầng hiện tại và khát vọng kinh tế đang ngày một phát triển nhanh chóng vẫn còn có khoảng cách. 20% đường bộ được rải bằng vật liệu có chất lượng trung bình đến thấp, dẫn đến hiện tượng mặt đường bị nứt và gồ ghề.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng giao thông có liên kết khu vực và kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển để tạo ra các trung tâm mới phục vụ cho đầu tư quốc tế. Ngày nay, Quảng Ninh là tỉnh có hệ thống đường cao tốc mở rộng nhất Việt Nam, tất cả đều do tỉnh xây dựng. Hệ thống cao tốc này liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đồng thời, kết nối miền Bắc Việt Nam với phía Nam Trung Quốc.
Vai trò cốt lõi của dự án nạo vét sông Chanh
Nằm trong cốt lõi của mô hình phát triển tỉnh Quảng Ninh chính là tổ hợp KCN DEEP C, cụ thể là hai tổ hợp cảng biển-logistics-công nghiệp quan trọng và độc nhất: KCN Bắc Tiền Phong và KCN Nam Tiền Phong, thuộc khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Hạ tầng cảng biển của DEEP C sẽ kết nối trực tiếp với cảng nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng thông qua tuyến sông Chanh hiện đang triển khai dự án nạo vét.
Đại diện DeepC cho biết, kế hoạch phát triển lớn này sẽ giúp giảm chi phí vận tải nội địa, thúc đẩy phát triển logistics trong khu vực, và nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh. Các nhà sản xuất sẽ đặt cơ sở của họ gần các trung tâm đầu mối, chẳng hạn như các khu công nghiệp kết hợp cảng biển, để đánh giá và tăng cường chuỗi cung ứng của họ. Việc đó sẽ đem đến cho họ nhiều lợi ích: giảm thời gian vận chuyển, giảm chỉ phí làm hàng, các giải pháp đa phương thức đem đến dịch vụ vận chuyển xanh hơn.
Tại Quảng Ninh, các Khu công nghiệp DEEP C có thể cung cấp tới gần 550 ha đất phục vụ logistics và cảng biển, tương đương hơn 30% tổng quỹ đất của DeepC trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đáp ứng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, hạ tầng cảng biển tích hợp của DEEP C sẽ phục vụ tàu hàng tổng hợp và hàng lỏng có trọng tải lên đến 50.000 DWT.
Theo thông tin từ bà Huyền, dự án nạo vét sông Chanh đóng vai trò cốt lõi để phát triển thành công các hạ tầng này. Đây sẽ là dự án có quy mô lớn đầu tiên được thực hiện và đầu tư bởi một công ty tư nhân tại Việt Nam. Deep C sẽ nạo vét toàn bộ chiều dài gần 13 km sông Chanh tới cao độ -11 m CD, đảm bảo giao thông nhanh chóng và an toàn giữa tổ hợp cảng của DeepC và cảng nước sâu Lạch Huyện ở Hải Phòng. Đây thực sự là hạng mục đầu tư rất quan trọng; là chìa khóa để Quảng Ninh chuyển mình thành một trung tâm logistics lớn ở miền Bắc Việt Nam, đại diện DeepC nhấn mạnh.
Nhìn nhận sáng kiến và tầm nhìn dài hạn của DeepC, nhiều dự án của một số công ty cung cấp dịch vụ kho bãi và logistics quốc tế uy tín như BW, CORES, Logos và các công ty khác thời gian gần đây đã bắt đầu tham gia đầu tư. “Đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một năm đầy khởi sắc của cả BTPIZ và TPIZ, trở thành địa điểm đầu tư tốt nhất tiếp theo ở miền Bắc, sự kết hợp có một không hai giữa dịch vụ công nghiệp, hậu cần và cảng.
Bà Huyền cho biết, ngoài những nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cũng rất cần hỗ trợ của các cấp chính quyền về nguồn cung lao động, quỹ đất, thủ tục cấp phép, cải cách hành chính và đầu tư giao thông, …
“Mục tiêu của Tổ hợp KCN DEEP C không chỉ là thu hút đầu tư, chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ những giá trị bền vững thông qua phát triển mô hình KCN sinh thái. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong các KCN của chúng tôi và các giải pháp tái chế nhằm mang lại các lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội cho các cộng đồng xung quanh.
Chiến lược phát triển bền vững của DEEP C cũng được thể hiện trong Đề án 2030. Đến năm 2030, chúng tôi cố gắng cung cấp tới 30% nhu cầu năng lượng của mình bằng năng lượng tái tạo, thậm chí 50% nếu có công nghệ tích trữ điện đáng tin cậy, đáp ứng đủ nhu cầu. Nguồn điện xanh dư thừa cũng có thể được sử dụng cho sà lan điện vận chuyển container dọc theo các tuyến đường thủy nội địa ở miền Bắc Việt Nam, qua đó góp phần phát triển ngành vận chuyển xanh hơn và bền vững hơn”, đại diện chủ đầu tư tổ hợp KCN DeepC khẳng định.