Bộ VHTT&DL đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch
Nhằm tranh thủ tốt các thời cơ, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, trong thời gian tới có thể nghiên cứu miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng động doanh nghiệp.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Cùng với đó, việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19. Các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm… đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.
Trong khi truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia. Sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng “chặt, chém” du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Cởi mở cơ chế, chính sách
Trong thời gian tới, nhằm tranh thủ tốt các thời cơ, khắc phục các khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, Bộ VHTT&DL đề xuất nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đó là cần tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch. Trong đó, có thể nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu…
Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.
Song song với đó, tối ưu hóa, đơn giản hoá quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực.
Tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không quốc tế hàng đầu để xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và các thành phố cấp 1, cấp 2 của các thị trường khách du lịch mục tiêu. Thúc đẩy hợp tác giữa ngành hàng không và ngành du lịch theo tinh thần “lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ”, mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên liên quan (về vấn đề giá vé máy bay).
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch MICE, du lịch gắn với công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo.
Giải pháp thứ 2 cần đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác; thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; nhân rộng mô hình hợp tác công – tư trong quản lý điểm đến cấp vùng, cấp địa phương.
Ba là, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế.
Bốn là, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch
Năm là, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.