Bảo hiểm phi nhân thọ và điều kiện giữ đà tăng trưởng
Bên cạnh bảo hiểm (bảo hiểm) nhân thọ, giai đoạn qua, nhiều tổ chức cũng đã cung cấp các dịch vụ phi nhân thọ (PNT) đa dạng và bao gồm cả sản phẩm có tính thời vụ.
Đâu là cơ hội thực sự của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ? Hay từ phía khách hàng doanh nghiệp, có nên quan tâm đến các sản phẩm hỗ trợ cho sự “an toàn” niềm tin, bảo lãnh hoạt động doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro cao?
Hy vọng người dân ngày càng có cơ hội tiếp cận để hiểu rõ hơn những kiến thức an toàn, phòng vệ bản thân, phòng chống cháy nổ, phòng ngừa hiểm hoạ, tai nạn, bảo vệ sức khoẻ… sẽ có thêm ý thức về việc cần thiết của tham gia bảo hiểm, vì chắc chắn, những người tự nguyện tham gia bảo hiểm, nhận thức về việc bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng, cho tổ chức đã khá cao. Chúng ta cũng biết tại sao nước nào cũng yêu cầu bảo hiểm “bắt buộc” với một số loại hình, ví dụ như phương tiện vận tải – hay bảo hiểm sức khoẻ, nếu không có bảo hiểm, chi phí điều trị sẽ cực kỳ cao. Và ở các nước phát triển, việc được tiếp cận các kiến thức nhằm bảo vệ bản thân, thoát hiểm, giúp người khác thoát hiểm… hay việc tham gia bảo hiểm là một điều rất hiển nhiên.
Tôi vừa trao đổi với một số đồng nghiệp có may mắn được học tập ở nước ngoài như Mỹ, Nhật, Úc… điều kiện đầu tiên để được bước chân lên máy bay đi du học làm phải có bảo hiểm, và môn học đầu tiên trong ngày đầu tiên có mặt tại trường là “kỹ năng thoát hiểm” (!). Ở nước ngoài, nếu các bạn không được nhà nước tài trợ bảo hiểm sức khoẻ, có ai dám kiên quyết không mua bảo hiểm sức khỏe không? Câu trả lời chắc chắn là “Không!”.
Quay lại với bảo hiểm, hiện mức phí bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam là khá hợp lý. Ví dụ bảo hiểm tai nạn xe khá dễ dàng, việc bồi thường cũng không quá phức tạp, khách hàng có khá nhiều lựa chọn trong việc quyết định hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp nhất với họ, thậm chí nếu lỡ có tai nạn xe và đã được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, lần sau họ có thể mua bảo hiểm ở công ty khác với mức phí không bị tăng cao (ở Mỹ với lần tham gia bảo hiểm trước, nếu khách hàng gây tai nạn và công ty bảo hiểm đã bồi thường, chắc chắn ở lần tham gia bảo hiểm kế tiếp phí bảo hiểm sẽ rất cao dù người đó có mua của công ty nào); hay phí bảo hiểm cháy nổ của ta chưa cao, đây vừa là lợi thế để người dân dễ tiếp cận bảo hiểm cháy nổ hơn, tuy nhiên, đi cùng là mức bồi thường cũng chưa thật sự cao.
Ngoài ra, với các sản phẩm liên quan đến bảo hiểm doanh nghiệp, tùy thuộc khẩu vị và lựa chọn, nhưng thực tế các rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, rủi ro nhu cầu bên ngoài, rủi ro chính sách… như đã và đang tác động đến các doanh nghiệp như giai đoạn vừa qua lẫn hiện nay, đều cho thấy rằng sự lựa chọn hỗ trợ từ bên thứ 3 – bên bảo hiểm sẽ tăng niềm tin cho đối tác, cũng như sự tự tin trong bản thân doanh nghiệp vì có “hậu thuẫn”, phòng vệ phía sau cho chính doanh nghiệp. Tất nhiên, thêm sản phẩm bảo hiểm thì chi phí doanh nghiệp sẽ tăng thêm. Các doanh nghiệp họ sẽ cân nhắc thiệt -hơn. Mà thật sự là lợi ích vẫn cao hơn rất nhiều nếu không may có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng tại Việt Nam, lãi suất là một trong những yếu tố tác động lớn thị trường bảo hiểm và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung. Như giai đoạn vừa qua, việc các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải đầu tư với lãi suất thấp cũng làm cho lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn, từ đó làm giảm lợi nhuận chung của các doanh nghiệp này, do phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ. Song trong môi trường đầu tư lãi suất thấp hiện nay, vẫn có sự phân hóa khi một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không chịu sự chi phối của vấn đề lãi suất trong tăng trưởng doanh thu.
Với mức tăng 1,3% trong 6 tháng đầu 2023 của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, cho thấy các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang được tiếp cận khá tốt. Dự báo là tăng trưởng của thị trường này vẫn sẽ giữ trong nửa cuối năm nay và 2024. Cộng với những ví dụ tôi đã nêu ở trên, tôi cho rằng với thị trường 100 triệu dân, chỉ có khoảng 10% dân số tham gia bảo hiểm, và lưu ý rằng chúng ta sẽ có một giai đoạn không còn quá dài để tận hưởng cơ cấu dân số vàng – tức là nhu cầu để bảo hiểm khi về già rất cao, thì thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng về quy mô và chất lượng.
Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm, kết hợp các định chế, ở đây là ngân hàng, đem đến những dịch vụ bảo hiểm tốt hơn cho người dân Việt Nam, rõ ràng, minh bạch hơn, việc bồi thường chuyên nghiệp, công bằng và thuận lợi hơn…thì việc người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia bảo hiểm nhiều hơn nhằm tiếp cận sự an toàn tài chính tối đa, thụ hưởng dịch vụ tài chính đảm bảo chất lượng hơn, cũng sẽ góp phần đảm bảo an sinh cho người dân, an sinh xã hội.