Bài toán quản lý thuốc lá mới ở các quốc gia phát triển
Ngay cả tại những quốc gia phát triển, việc quản lý thuốc lá mới cũng gặp nhiều thách thức do sự đa dạng quá mức của sản phẩm, tốc độ biến đổi nhanh trong khi luật pháp không thể theo kịp.
Khi lần đầu xuất hiện trên thị trường, các sản phẩm thuốc lá mới – phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN) – được quảng cáo là loại thuốc lá ít hại hơn, giúp mọi người cai nghiện thuốc lá điếu thông thường (TLTT) và giảm bớt những nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc hút thuốc.
Tuy nhiên, sự thật là các sản phẩm này thường chứa nicotin và hàng nghìn chất độc hại khác như chất chống đông, chất tẩy, nhựa, chất khử trùng. Thậm chí, nhiều trường hợp ngộ độc liên quan đến ma túy pha trộn trong dung dịch thuốc lá điện tử được ghi nhận và đang có chiều hướng gia tăng. Một cuộc khảo sát được tiến hành trên 20,675 thanh thiếu niên Mỹ (lớp 6-12) cho thấy có 8.9% học sinh đã từng sử dụng chất ma túy từ cây cannabis phối trộn với dung dịch thuốc lá điện tử.
Do đó, không ít quốc gia trên toàn cầu đã cân nhắc kỹ lưỡng và ban hành các quy định cấm thuốc lá mới.
Khó quản lý
Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang làm tăng tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt trong giới trẻ.
Tại Hàn Quốc, TLNN được quy định cấm bán cho người dưới 19 tuổi, cấm hút tại nơi công cộng, có in cảnh báo sức khỏe. Tuy vậy, tình trạng người trẻ tuổi sử dụng sản phẩm này ngày càng gia tăng.
Theo Tobacco Reporter, tỷ lệ tiêu thụ TLNN của người tiêu dùng Hàn Quốc chỉ đứng sau Nhật Bản. Doanh số bán TLNN tăng đáng kể từ khi sản phẩm này được giới thiệu vào thị trường Hàn Quốc năm 2017, lấn át doanh số bán TLTT.
Khảo sát vào năm 2018, tức chỉ một năm sau khi TLNN xuất hiện ở đất nước kim chi, cho thấy 2,8% thanh niên đã sử dụng sản phẩm thuốc lá mới này, 40,3% hút song song với thuốc lá điếu.
Tại Mỹ, TLĐT được ví như “đại dịch” trong giới trẻ vì tốc độ lan truyền rất nhanh. Năm 2017-2019, tỷ lệ sử dụng TLĐT có chứa nicotine tăng lên giữa học sinh lớp 8, 10 và 12 (lần lượt 9%, 14,9%, 16,5%), phản ánh mức tăng chưa từng có trong lịch sử.
Khảo sát quốc gia về sử dụng thuốc lá trong giới trẻ Mỹ 2022 chỉ ra, hơn 2,5 triệu học sinh cấp 2 (3,3%) và cấp 3 (14,3%) đang sử dụng TLĐT. Ngoài ra, các ca bệnh EVALI (tổn thương phổi liên quan đến sử dụng TLĐT) cũng bùng nổ.
Hiện nay, có gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm TLĐT (như Argentina, Brazil, Triều Tiên, Nepal…) hoặc quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường.
Ngay cả ở các đất nước phát triển, việc quản lý thuốc lá mới vẫn là thách thức vì sự đa dạng quá mức của sản phẩm. Các sản phẩm biến đổi từng ngày với mẫu mã bắt mắt, thời thượng để thu hút giới trẻ.
Trong khi đó, thời gian ban hành luật, chính sách mới có thể mất đến nhiều năm nên không thể đuổi kịp tốc độ phát triển của các sản phẩm thuốc lá mới. Hệ lụy của thực trạng này là tạo ra những lỗ hổng về pháp luật cho sản phẩm độc hại tràn lan trên thị trường, và ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ.
Cần ban hành chính sách cấm thuốc lá mới
Theo nghiên cứu về sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở 75 quốc gia, các nước cho phép sản phẩm này lưu hành trên thị trường thì tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử gia tăng, trong khi đó các nước lựa chọn cấm hoàn toàn thì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử thấp hơn nhiều.
Điển hình trong đó, Thái Lan có một số điều luật nghiêm ngặt nhất đối với bất kỳ ai bị bắt gặp sử dụng thuốc lá điện tử. Khách du lịch có thể bị bỏ tù tới 10 năm nếu bị phát hiện hút TLĐT hoặc bị phạt 30.000 baht (khoảng 20,4 triệu đồng).
Thực tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên Thái Lan duy trì ở mức thấp sau khi nước này ban hành chính sách cấm nhập khẩu và buôn bán TLĐT từ năm 2015.
Tương tự, tại Qatar, TLĐT bị coi là bất hợp pháp kể từ năm 2014 và bất kỳ ai vi phạm luật đều có thể bị phạt tới 10.000 riyal (hơn 67 triệu đồng) hoặc phải đối mặt tối đa 3 tháng tù.
Úc có những quy định nghiêm ngặt về TLĐT có chứa nicotine, muốn mua loại chất này phải có đơn của bác sĩ. Bất cứ ai vi phạm có thể bị phạt tới 222.000 đô la Úc (hơn 3,4 tỷ đồng), trong khi một số bang áp dụng án tù lên tới 2 năm.
Theo khuyến cáo của WHO, các quốc gia có thể cấm hoặc quản lý thuốc lá mới. Nếu theo phương án quản lý, cần đảm bảo có đủ nguồn lực giám sát, ngăn chặn giới trẻ tiếp cận và bắt đầu sử dụng các sản phẩm này. Thực tế, năng lực quản lý và giám sát của Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện kể trên, nhìn từ bài học về quản lý thuốc lá truyền thống. Sau 11 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, Việt Nam đã có ghi nhận mức giảm nhất định, tuy nhiên vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao trên thế giới.
Từ đó, việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới là cần thiết để đảm bảo không gây gánh nặng về việc quản lý, xét nghiệm, thanh kiểm tra. Đây cũng là giải pháp hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện tại.
Minh Quân