24 doanh nghiệp tham gia Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL

Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 39 thành viên, trong đó có 24 doanh nghiệp đến từ nhiều thành phần kinh tế của vùng ĐBSCL.

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã phối hợp Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Resilient Business Network – MRBN).

24 doanh nghiệp tham gia Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, đây là mạng lưới đầu tiên của cả nước tập hợp các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động về nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; đại diện cho các cộng đồng doanh nghiệp tham gia trong việc tham mưu chính sách. Mạng lưới hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, mạng lưới có 39 thành viên, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về BĐKH đổi khí hậu, viện, trường, cơ quan, ban, ngành. Đặc biệt là sự tham gia của 24 doanh nghiệp đến từ nhiều thành phần kinh tế của vùng ĐBSCL. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đối với biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi kỳ vọng mạng lưới này không chỉ là những sáng kiến, là nơi trao đổi kinh nghiệm mà còn tham mưu cho Chính phủ trong việc thiết lập chính sách và xa hơn nữa, đây là mạng lưới của những doanh nghiệp dẫn đầu, những doanh nghiệp có trách nhiệm cộng đồng, những doanh nghiệp đóng góp lớn cho sự phát triển chung của quốc gia và sẽ có những mô hình nhân rộng không chỉ trong nước mà có thể vươn ra thế giới”, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, ông Đinh Diệp Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH đã chỉ ra ĐBSCL là một trong 3 vùng đồng bằng bị tác động lớn nhất do BĐKH trên toàn cầu.

Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, sạt lở… đã diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Những tác động của BĐKH có thể được dự báo trong thời gian tới như: Nhiệt độ mùa Hè cao hơn bình thường; mưa phân phối bất thường ở các vùng; mực nước biển dâng cao; lũ lụt bất thường hơn; biến đổi lưu lượng nước sông; khô hạn đến sớm hơn và kéo dài hơn; nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa; xói mòn đất đai…

Dẫn kết quả khảo sát với tựa đề “Biến đổi khí hậu: Từ thách thức đến cơ hội cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL” của nhóm nghiên cứu VCCI, ông Tuấn cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thời tiết cực đoan.

24 doanh nghiệp tham gia Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL
Các thành viên của Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long.

Thiệt hại về kinh tế do BĐKH có thể lên tới khoảng 1,5% GDP mỗi năm tại Việt Nam và có thể còn tiếp tục gia tăng trong tương lai (theo Ngân hàng Thế giới). Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH cùng nhiều hành động khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn thiếu thông tin và sự chuẩn bị để ứng phó với BĐKH, mức độ chia sẻ thông tin còn hạn chế…

Nhấn mạnh yếu tố cơ hội cho doanh nghiệp trong liên kết, thích ứng với BĐKH, ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group cho rằng, những quan tâm từ Chính phủ và định hướng phát triển “thuận thiên”, ứng phó với BĐKH đã tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng.

Ông Mỹ lấy ví dụ như Nghị quyết 120 của Chính phủ xem thủy sản là ưu tiên số một ở ĐBSCL, mở ra cơ hội lớn cho ngành nuôi tôm. Đặc biệt là Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.

“Với giá trị xuất khẩu hiện mới đạt gần 4 tỷ USD cho thấy dư địa để ngành tôm ĐBSCL phát triển là rất lớn. Có thể nói qua rồi thời đắp đê bao ngăn mặn để trồng lúa, thay vào đó, nước mặn tới đâu có thể nuôi tôm tới đó. Một ký tôm giá trị bằng vài chục ký lúa”, ông Mỹ cho biết.

Cũng theo ông Mỹ, BĐKH là cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL nhưng để phát huy được rất cần phải có một mạng lưới liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trước tiên là hỗ trợ doanh nghiệp trong mạng lưới thích ứng và phát triển bền vững. Tiếp đến là nhân rộng ra cộng đồng, góp phần đưa ĐBSCL phát triển bền vững, giàu có hơn.

Tại Lễ ra mắt đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa mạng lưới các doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL với Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ về những hợp tác trong thời gian tới, đồng thời trao giấy chứng nhận thành viên cho thành viên chính thức của mạng lưới.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button