Toshiba có trở lại từ “đống tro tàn”?

“Gã khổng lồ” công nghiệp một thời của Nhật Bản đang đặt mục tiêu xây dựng lại để tìm kiếm vinh quang trong quá khứ và xóa sạch bóng ma của sự hỗn loạn gần đây.

Mới đây, với việc Tập đoàn Toshiba chính thức quyết định chuyển sang hoạt động tư nhân, người ta kỳ vọng rằng công ty sẽ giải quyết được tình trạng hỗn loạn về quản lý đã tồn tại kể từ khi vụ bê bối kế toán bị vạch trần vào năm 2015.

Toshiba có trở lại từ “đống tro tàn”?

Chủ tịch Toshiba, Taro Shimada tiết lộ Toshiba chính thức quyết định hủy niêm yết.

Chủ tịch Toshiba, Taro Shimada đã tiết lộ điều này trong cuộc họp cổ đông bất thường ở Tokyo khi quyết định hủy niêm yết của công ty lần đầu tiên sau 74 năm sẽ được đưa ra vào ngày 20 tháng 12 tới đây. Tất nhiên, có nhiều cổ đông đã lên tiếng gay gắt. Nhưng, cũng không ít ý kiến đồng tình.

Đống tro tàn quá khứ

Là một trong những công ty tên tuổi lớn nhất của Nhật Bản, Toshiba trước đây được ca ngợi là một biểu tượng sức mạnh công nghệ đã khắc sâu vào lịch sử ngành thiết bị gia dụng của quốc gia này.

Toshiba có trở lại từ “đống tro tàn”?

Toshiba đã từng là một biểu tượng sức mạnh công nghệ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, vụ bê bối kế toán lớn trong lịch sử 140 năm của công ty đã bị đưa ra ánh sáng vào tháng 4 năm 2015. Vụ bê bối này liên quan đến việc các nhà lãnh đạo của Toshiba luôn đặt ra các mục tiêu hiệu suất cao và gây áp lực mạnh mẽ lên nhân viên và để có vẻ Toshiba trông như đang hoạt động tốt, các khoản lỗ liên tục không được báo cáo, và đó là những lý do chính khiến cho các lãnh đạo công ty đã bị từ chức hàng loạt vào tháng 7 năm 2015.

Khi đó, người ta đã hy vọng rằng Toshiba sẽ đi trên con đường xây dựng lại chính mình từ đống tro tàn để tìm lại hào quang của quá khứ. Song, sự sụp đổ của công ty năng lượng hạt nhân Westinghouse của Mỹ mà Toshiba mua lại nhiều năm trước đó, đã khiến Toshiba rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán với khoản nợ 550 tỷ Yên trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 3 năm 2017.

Một cựu giám đốc của Toshiba khi đó cho biết: “Nó xảy ra khi chúng tôi chuẩn bị chuyển hướng hoạt động kinh doanh của mình theo chiều hướng tốt hơn. Nó khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ”.

Trên thực tế, Toshiba đã mua lại Westinghouse với giá hơn 600 tỷ Yên vào năm 2006 với kỳ vọng sẽ có sự bùng nổ trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Tuy nhiên, vụ tai nạn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima năm 2011 đã làm hỏng kế hoạch của Toshiba. Các tiêu chuẩn an ninh đối với các nhà máy điện hạt nhân ngày càng khắt khe hơn trên toàn thế giới, dẫn đến việc xây dựng bị chậm trễ và gây thiệt hại đáng kể cho Toshiba.

Công ty đã bị loại khỏi Khu vực thứ nhất của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 8 năm 2017 và được đưa vào Khu vực thứ cấp. Mọi thứ đã khiến kế hoạch tái thiết của Toshiba đi chệch hướng.

Vào thời điểm đó, Toshiba nhất quyết muốn tiếp tục là một công ty niêm yết. Các công ty mất thanh khoản trong hai năm kinh doanh liên tiếp sẽ tự động bị hủy niêm yết. Để tránh tình trạng này, Toshiba đã chấp nhận khoản tiền 600 tỷ yên từ các cổ đông hoạt động tích cực, bao gồm cả các cổ đông nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi tăng vốn, xung đột đã xảy ra giữa các giám đốc điều hành hàng đầu của Toshiba, những người tìm kiếm sự tăng trưởng trung và dài hạn, và các cổ đông hoạt động bao gồm các quỹ nước ngoài muốn thu được lợi nhuận ngắn hạn từ khoản đầu tư của họ.

Sai lầm này nối tiếp bằng sai lầm khác đã khiến Toshiba thực sự rơi vào tình cảnh bết bát.

Trong quá khứ, Toshiba từng là đối thủ hàng đầu của Hitachi, công ty cũng từng tuyên bố lỗ nặng sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vào năm 2008. Tuy nhiên, Hitachi đã phục hồi mạnh mẽ nhờ tập trung triệt để vào việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh nên tập trung vào. Trong khi đó Toshiba đã chọn không thực hiện các biện pháp cơ bản và tiếp tục sa chân vào những sai lầm khó chữa.

Liệu Toshiba có thể tái sinh?

Ở thời điểm hiện tại, Toshiba buộc phải chọn con đường hủy niêm yết. Sau khi chuyển sang tư nhân, công ty đặt mục tiêu xây dựng lại dưới sự liên minh trong nước gồm các công ty như Japan Industrial Partners.

Toshiba có trở lại từ “đống tro tàn”?

Toshiba sẽ tập trung tăng cường các lĩnh vực liên quan đến dữ liệu.

Công ty đã đặt mục tiêu tăng trưởng đáng kể từ doanh thu hợp nhất là 3,3 nghìn tỷ Yên và lợi nhuận hoạt động là 110 tỷ Yên trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 3 năm 2023. Trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 3 năm 2015, Toshiba chỉ có doanh thu 6,6 nghìn tỷ Yên.

Trong 8 năm qua, hoàn cảnh hỗn loạn đồng nghĩa với việc Toshiba cần đảm bảo nguồn vốn bằng cách bán nhiều mảng kinh doanh, chẳng hạn như lĩnh vực bán dẫn, thiết bị y tế và thiết bị điện. Công ty cũng sẽ dồn sức vào các hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng, như năng lượng điện và đường sắt, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu.

Shimada, chủ tịch hiện tại, đến Toshiba vào năm 2018 từ Siemens KK, chi nhánh Nhật Bản của gã khổng lồ điện tử Đức. Ông có kiến thức về số hóa các doanh nghiệp sản xuất, vì vậy việc tăng cường các lĩnh vực liên quan đến dữ liệu sẽ sắp diễn ra dưới sự bảo trợ của ông.

Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ cần phải tìm cách thành công giữa vô số đối thủ trong lĩnh vực này, cụ thể là những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Giáo sư Atsushi Osanai của Đại học Waseda, người am hiểu về ngành điện tử, đã nói như vậy về con đường mới của Toshiba sau khi chuyển sang tư nhân hóa.

Ông cũng cho biết: “Điểm mạnh của Toshiba là công ty có công nghệ kỹ thuật số cũng như công nghệ phần cứng để triển khai chúng. Bây giờ công ty đang trên bờ vực thẳm, cần phải kiên trì thực hiện các chính sách mà lãnh đạo cấp cao đề ra”.

Có lẽ tương lai của Toshiba, biểu tượng một thời của nền công nghiệp Nhật Bản một thời, vẫn rất mờ mịt. Theo các chuyên gia, việc trở lại của Tosshiba vẫn là điều khó khăn khi lạm phát và suy thoái còn đang là bài toán khó giải với nhiều công ty toàn cầu, ngay cả khi họ trở thành công ty tư nhân và tái cấu trúc.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button