Doanh nghiệp “đuối sức” nguy cơ bị thâu tóm

Đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Thêu đan TPHCM, không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng và một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.

Doanh nghiệp

Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu.

“Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu”, ông Việt lo lắng.

Có cùng nhận định, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khá nhiều khó khăn nhất định.

Trong lĩnh vực dệt may, đơn hàng thiếu và bị cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.

Đáng lưu ý, nhiều lĩnh vực “đóng băng” còn kéo theo hệ luỵ của các lĩnh vực liên quan. Đơn cử như lĩnh vực bất động sản, khó khăn kéo dài dẫn tới sự ngưng trệ của nhiều ngành liên quan. Đơn cử, ngành vật liệu xây dựng đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng cả trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, hiện giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.

Tương tự trong ngành thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm của TP.HCM cho rằng họ không có lãi, khi mà lãi suất cho vay của ngân hàng tăng trên 10%, cộng thêm giá nước… tăng.

Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực logistics cho biết bị tồn đọng vốn do khách hàng là các nhà xuất nhập khẩu chậm thanh toán.

Bà nêu thực tế đáng báo động hiện nay là một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lớn tại TP.HCM, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện quá khó khăn về tài chính.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất da giày, đồ gỗ… xuất khẩu cũng chia sẻ rằng những dự báo và sự kỳ vọng đơn hàng nhập khẩu từ những thị trường chính như Mỹ, EU,… sẽ quay trở lại từ giữa năm nay. Tuy nhiên, diễn biến tình hình kinh tế và lạm phát ở các thị trường này cho thấy còn rất nhiều khó khăn và thời gian phục hồi trở lại có thể dài hơn, kéo dài đến quí 3 hoặc là vào cuối năm.

Chịu cảnh “vạ lây”, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực logistics cho biết ngoài sụt giảm sản lượng, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng tồn đọng vốn do khách hàng là các nhà xuất nhập khẩu chậm thanh toán với những lý do giảm sút đơn hàng, lạm phát và chậm thanh toán từ đối tác. Hơn nữa, việc tuyển dụng tại các khâu ở Cảng, kho… của nhiều doanh nghiệp logistics cũng gặp khó khi chi phí “đội” lên cao sau dịp Tết.

Từ thực tế này, bà Lý Kim Chi lo ngại các quỹ đầu tư nước ngoài đang “săn đuổi” các doanh nghiệp có thương hiệu mà đang “đuối sức” này.

“Nếu chúng ta cứ để mai một các doanh nghiệp này đi thì đáng tiếc. Không ai muốn bán mình cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Chúng tôi cần chính sách, có hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”, bà Chi đề nghị.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button