Vì sao việc cấp “visa” cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc còn chậm?

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn chưa được cấp mã số hàng hoá, khiến nhiều lô hạt điều, cà phê vẫn đang nằm kẹt.

Năm 2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Đến nay mới có 1.656 doanh nghiệp Việt xuất khẩu được cấp “visa” vào thị trường này.

Vì sao việc cấp “visa” cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc còn chậm?
Sản phẩm thuỷ sản là một trong 18 nhóm thực phẩm mà doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Hai lệnh này có hiệu lực từ tháng 01/2022. Thực thi những Lệnh mới này, tất cả nông sản thực phẩm phải được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số hàng hóa cho từng sản phẩm của từng doanh nghiệp thì mới  được xuất khẩu vào nước này.

Như vậy, thông qua lệnh 248 và Lệnh 249, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng, nộp báo cáo kiểm nghiệm theo lô hoặc tăng cường đình chỉ, tạm dừng hoặc cấm đối với doanh nghiệp nếu vi phạm an toàn thực phẩm hoặc cả đối với hoạt động đánh giá rủi ro thực hiện bởi các cơ quan nhà nước.

Cụ thể, theo Lệnh 248, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mì, thực phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng. Đây đều là những sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu số lượng khá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại đã nêu doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.

Theo phản ánh của đại diện lãnh đạo công ty Simexco Đắk Lắk, đến cuối năm 2021 doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký mã số hàng hóa theo quy định nhập khẩu mới từ Trung Quốc với 2 sản phẩm là hồ tiêu và cà phê nhân chưa rang. Tuy nhiên, tới hết tháng 1 năm nay đơn vị này vẫn chưa nhận được mã số hàng hóa do Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp cho sản phẩm cà phê nhân chưa rang.

Việc cấp mã số chậm đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc thương mại, công ty Simexco Đắk Lắk chia sẻ, ngày 26/1 thấy sản phẩm hồ tiêu được cấp nghĩ rằng cà phê cũng được cấp mã số nên xuất sang 10 container. Nhưng tới cảng đã bước sang năm mới 2022 nên không xuất được vì chưa có mã số. Đến giờ có mã số rồi, thì khách hàng mới lấy mã số để làm thủ tục nhập khẩu. Việc chậm cấp như này ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu, khách hàng thì không có hàng để chế biến rang xay, doanh nghiệp cũng mất nhiều cơ hội để ký hợp đồng mới.

Vì sao việc cấp “visa” cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc còn chậm?
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chưa rang cũng cho biết hàng tắc tại cảng do chưa được cấp mã.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT cho biết, đến ngày 22/02/2022, có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số, trong đó, 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.

Có 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã, tuy nhiên do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% khối lượng theo đề xuất Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đăng ký và đang tiếp tục.

Có 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền Cục Thú y quản lý; số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký; doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ một số khó khăn trong việc xin cấp mã số của doanh nghiệp xuất khẩu như tồn tại một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do hệ thống mới vận hành như: tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ Tiếng Trung, lỗi giao diện khó theo dõi…

Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.

Từ thực tế đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của Hải quan Trung Quốc; tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.

Triển khai theo Nghị định thư về yêu cầu Thú y và sức khỏe cộng đồng đối với sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc ký ngày 26/42019.

Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục tăng cường đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248 &249.

Trong thời gian chờ phía Hải quan Trung Quốc cấp mã, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng lưu ý với các doanh nghiệp giữ việc thông tin liên tục và xuyên suốt giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cho biết các khó khăn để tránh phức tạp tình hình.

Bên cạnh đó, việc cấp mã sản phẩm giống như là cấp bằng lái xe để đủ điều kiện lưu thông trên đường, nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp phải đảm bảo việc về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Muốn làm được điều này việc đầu tiên doanh nghiệp phải nắm bắt và hiểu rõ được những yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng của mình khi xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button