VAI TRÒ CỦA DÒNG HỌ ĐỐI VỚI DÂN TỘC, QUỐC GIA

Các Dòng Họ là gốc của Dân tộc làm nên Quốc gia. Trong sự sống của mỗi quốc gia, theo thời gian mà hình thành nhiều hình thái cộng đồng người trong đó có cộng đồng dòng họ. Từ khi có hôn nhân mới có gia đình và để tránh việc đồng huyết, cận huyết thì từ đó mà dần dần có dòng họ.

Cố Giáo sư Vũ Khiêu trong bài “Vai trò của các dòng họ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử” có viết: “Ở Việt Nam, sự phát triển của mỗi dòng họ và mối quan hệ đồng tâm, đồng chí, đồng hành giữa các dòng họ lại có một ý nghĩa quan trọng nhất trong mọi diễn biến lịch sử. Mọi thành công của đất nước nhiều hay ít, nhanh hay chậm đều gắn với mức độ tham gia của các dòng họ. Lịch sử lâu đời luôn luôn chứng tỏ điều này. Sự tồn tại phát triển của đất nước, thành quả to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước đều nói lên rằng sự đoàn kết các dòng họ và giữa các dòng họ với nhau luôn là yếu tố hàng đầu trong mọi thắng lợi”.

Chỉ loài người  được Thượng đế ban riêng cho bộ đại não để từ đó mà biết thiết chế hóa, văn minh hóa sự sống, trong đó có sự hình thành và xây đắp dòng họ. Trong thành tựu thiết chế hóa đa diện này, trên phương diện đời sống tinh thần, có lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành mình, gần nhất là cha mẹ, ông bà, rộng ra là tổ tiên bao đời. Từ đó có đạo thờ Tổ tiên được triết lý hóa bằng các mệnh đề “Vật bản hồ thiên/ Nhân sinh do tổ” (muôn vật sinh ra là nhờ ở trời/ con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên), “Ẩm thủy tư nguyên”(uống nước nhớ nguồn), “Kính tông pháp tổ”  (kính trọng và tuân theo phép tắc của Tổ tông).

 gia đình, dòng họ mới có làng xã từ đó mới có dân tộc, quốc gia. Tình quê hương, tình làng xóm nảy nở từ tình gia đình gắn với điều kiện không gian sinh sống. Gia đình một khi phát triển theo thời gian thì không gian sống cũng mở rộng. Hiện tượng một dòng họ có mặt ở nhiều tỉnh thành, ở khắp cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài là bởi có sự phát triển đó.

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Đó là món quà tuyệt vời nhất, là điểm tựa vững chắc nhất, là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi con người. Thật tuyệt vời nếu bạn có một mái ấm gia đình mà nơi đó ngập tràn tình yêu thương.

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy.

Tâm lý, ý thức về dòng họ của người Việt Nam ta đã nằm sâu trong tâm thức bao đời nay. Dấu vết của tâm thức đó đã và đang thể hiện trong cách xưng hô với nhau là: bà con, cô bác, bác cháu, chú cháu, cô cháu, dì cháu, anh em, chị em không chỉ trong phạm vi gia đình họ tộc mà cả ngoài xã hội và trong cơ quan Nhà nước.

Cộng đồng dòng họ một khi đã phân chi, phân phái, lan tỏa ra nhiều nơi thì sự gắn kết ở đây chủ yếu là thuộc về đời sống tâm linh, về mặt tâm lý, tinh thần được thiêng liêng hóa trong hai tiếng huyết thống (cùng một dòng máu) dù có loãng đến đâu vẫn không mất. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Cầu mong là sự mong muốn và là bản chất của con người, nhất là mỗi khi ta gặp sự lâm nguy. Trong cầu mong, trước hết là cầu mong ở lực lượng siêu hình mà ở đó thì không gì bằng Tổ tiên đã sinh ra và yêu thương con cháu hơn ai hết.

Trong văn hóa của người Việt, trọng tâm là vấn đề thờ phụng Tổ tiên. Trong đó việc đầu tiên là lập nhà thờ, ban thờ. Cùng với việc lập nhà thờ, ban thờ việc xây dựng lăng mộ của dòng họ cũng là điều rất được coi trọng. Nhất là với mộ Tổ, ông bà, cha mẹ đã trở thành vật thiêng vô cùng lớn.

Thực thể dòng họ đã xuất hiện và tồn tại trong sự sống nói chung, trong đó có sự sống tinh thần, sự sống tâm linh trọng đại của nhân loại, đặc biệt là với người Việt Nam ta từ bao đời nay.

 Theo cố GS Trần Quốc Vượng cho biết thì ở Pháp, Viện sĩ Jean Poirier trong công trình nghiên cứu về tộc người và văn hóa dựa trên 3 nguyên lý lớn:

  • Nguyên lý cùng – dòng họ
  • Nguyên lý cùng – nơi cư trú
  • Nguyên lý cùng – lợi ích

Dòng họ là nguyên lý đầu tiên của ba nguyên lý này. Vậy thì quên nó, coi nhẹ nó sao được.

Ở thời trung đại, dưới chế độ phong kiến, các dòng họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn là những dòng họ nắm vương quyền của đất nước. Các triều đại này đã tạo dựng được nền văn hóa vẻ vang cho đất nước và chính dòng họ của mình. Vương triều nhà Trần đã tạo nên một dòng họ đại quý tộc. Nhà Lê tạo nên một nền văn hóa sừng sững trong lịch sử. Nhà Nguyễn là một dòng họ văn hóa bề thế hiếm có. Từ thời vua Tự Đức, người đương thời đã làm đôi câu đối: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”, tức là văn như hai ông Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì đời tiền Hán cũng phải chịu, thơ như hai ông Tùng Thiện công và Tuy Lý công thì thơ đời thịnh Đường không còn đáng kể. Hai câu đó đã lưu truyền bao đời nay.

Trên đất nước ta có một triết lý nhân sinh đã thành văn hóa đó là “nhân bất học bất tri lý” (người mà không học thì không biết lẽ phải) và từ đó, giáo dục thực sự đã là quốc sách hàng đầu, nó là con đường độc đạo dẫn đến chấp chính, điều hành quốc sự. Vì thế con vua cũng phải được học hành và có thầy dạy riêng.

Trong lịch sử sinh tồn và cũng là lịch sử văn hóa của đất nước Việt Nam, sự hiện diện của cộng đồng dòng họ và văn hóa dòng họ đã quyện vào nhau là một.

 Ở Việt Nam mối quan hệ giữa các dòng họ thật là khăng khít, khi ta xây dựng gia đình thì thường là từ 2 dòng họ và nhiều trường hợp lại đổi từ họ cha sang họ mẹ và nhiều người lại được vua ban cho họ, như vậy có thể một người lại mang hai họ… Nhiều cuộc đổi họ trong quá trình lịch sử cũng đã xảy ra. Năm 1225, nhà Lý suy vong, Trần Thủ Độ đã bắt con cháu của dòng họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông ta đã giết rất nhiều con cháu của dòng họ Trần. Vì thế, sau khi nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ vì sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn. Năm 1592, nhà Mạc suy tàn, con cháu của dòng họ Mạc cũng lại đổi họ sang Nguyễn…

Cả nước Việt Nam có không biết bao nhiêu dòng họ, nhưng trong tâm thức của người Việt vẫn coi như đều từ một bụng mẹ mà ra nên có từ đồng bào, ca dao cổ có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tất cả người Việt Nam vẫn nhận mình là con cháu vua Hùng. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là dựa theo tâm thức thiêng liêng đó: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Vậy hãy coi trọng dòng họ mà mình mang trên người, các cụ ta có câu: “Công danh sự nghiệp rồi cũng qua đi nhưng dòng họ ta mang trên mình và Tổ quốc nơi ta sinh ra là còn mãi mãi” và hãy coi trọng, đoàn kết với dòng họ bạn vì biết đâu cái gốc của ta lại ở đó.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Con người Việt Nam, từ xưa đến nay không ngừng phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, luôn thường trực với mệnh sống còn của dân tộc, đưa dân tộc ta vững bước đi lên sứng tầm với các dân tộc quốc tế. Trong môi trường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước thấm đẫm đầy máu và nước mắt ấy các dòng họ luôn có vai trò trong sứ mệnh lịch sử này và mỗi một thời kỳ lịch sử của dân tộc thường là sự dẫn dắt của một dòng họ. Trong sự dẫn dắt này vẫn có sự chung tay đóng góp của các dòng họ khác để tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Để từ đó ta đã đánh thắng được biết bao quân xâm lược hung hãn như đế quốc Mông Nguyên, Nam Hán, Nhà Tống, Nhà Minh, Nhà Thanh… và trong thời đại Hồ Chí Minh là các cường quốc như Pháp, Mỹ, Trung…

Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự đoàn kết của các dòng họ. Trong tiếng Việt, đoàn kết có nghĩa là hội tụ lại, họp lại một cách hiệu quả, “Kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung”.

Đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc là một nội dung xuyên suốt trong tư tưởng cũng như trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức quan trọng. Tư tưởng “Đoàn kết” và “Đoàn kết dân tộc” là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thời kỳ đầu lãnh đạo cách mạng cho đến lúc Người sắp ra đi đặc biệt quan tâm và coi trọng.

Có thể nói, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta chỉ có thể được thực hiện và thành công bằng sức mạnh của cả dân tộc, bằng đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, theo quan niệm của Người “đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng nhất bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam mà dân tộc ở đây chính là từ các dòng họ tạo thành.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua các thời kỳ phong kiến đó là Đinh, Lý, tiền Lê, Trần, hậu Lê, Nguyễn mà không có gì làm thay đổi được, điều này cho thấy vai trò của dòng họ đối với dân tộc và đất nước. Chính dòng họ là gốc của Quốc gia và Dân tộc, chính dòng họ đã làm nên lịch sử và tên tuổi của dân tộc Việt Nam.

Ts. Nguyễn Văn Kiệm – Chủ tịch HĐHNVN

Bài Viết Liên Quan

Back to top button