Thị trường M&A năm 2022: Bước đột phá của doanh nghiệp Việt?

Việt Nam vừa bước qua một năm sôi động của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A). Liệu sự chủ động tích cực từ doanh nghiệp Việt thời gian qua có được duy trì và nâng tầm hơn nữa trong năm tới?

Nhìn lại năm 2021

Hơn một thập kỷ qua, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả nhất, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Thị trường M&A năm 2022: Bước đột phá của doanh nghiệp Việt?
Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ trong thị trường M&A Việt Nam.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá trị và số lượng các thương vụ M&A tại Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy thị trường M&A Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu từ KPMG Việt Nam (một công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tài chính kinh tế tại Việt Nam), bất chấp đại dịch COVID-19, quy mô thị trường M&A Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 18% so với năm 2020.

Trước đây, các hoạt động M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài, đó có thể là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng, năm 2021 lại là năm của các doanh nghiệp Việt khi khẳng định bản thân bằng hàng loạt các thương vụ dù là bên mua hay bên bán.

Những Vingroup, Masan, Hoà Phát, Vinamilk hay là Novaland đã cho thấy được các hoạt động “chiếm sóng” trên thị trường M&A năm vừa qua với những khoản đầu tư chất lượng trong hàng loạt các thương vụ, tương đương 1,13 tỷ USD chỉ trong 10 tháng đầu năm.

Tổng cộng các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ USD trong tổng giá trị thương vụ cho 10 tháng đầu năm 2021 và chỉ kém 68 triệu USD so với mức đầu tư của Nhật Bản. Bên cạnh đó, theo một báo cáo của White & Case, giá trị bình quân cho mỗi giao dịch tăng lên 42,8 triệu USD. Đặc biệt, ngày càng có nhiều thương vụ giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận. Ba lĩnh vực hàng đầu có các thương vụ M&A là công nghiệp và hóa chất, hàng tiêu dùng và bất động sản.

Kỳ vọng bùng nổ trong năm 2022?

Theo các chuyên gia phân tích cho rằng, đang có nhiều yếu tố sẽ thúc đẩy các hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm tới.

Thị trường M&A năm 2022: Bước đột phá của doanh nghiệp Việt?
Năm tới tiếp tục sẽ là một năm bùng nổ của thị trường M&A Việt Nam?

Thứ nhất, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng rộng lớn và đang phát triển với dân số gần 100 triệu người, cùng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, dự kiến sẽ tăng lần lượt lên 25% và 30% vào năm 2025 và 2030. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong các ngành chủ chốt như bán lẻ, F&B, dịch vụ tài chính, bất động sản, hậu cần và chăm sóc sức khỏe.

Thứ hai, môi trường pháp lý tốt hơn cho các nhà đầu tư, trong đó có hai nội dung quan trọng là các FTA có hiệu lực sắp tới và thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng có hiệu lực từ đầu năm 2022. Đặc biệt, hiệp định EVFTA cho phép các các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Ngoài ra, một số yếu tố lạc quan khác là bối cảnh chính trị, xã hội ổn định và tốc độ đô thị hóa mở rộng cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thị trường.

Theo một kết quả khảo sát của KPMG đã cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư đang lạc quan và tin tưởng vào sự tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm 2022. Điều này sẽ là nền tảng hỗ trợ cho thị trường M&A, đặc biệt là các lĩnh vực hấp dẫn với hoạt động M&A như: Sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp (năng lượng), bất động sản, bán lẻ, ICT và logistics.

Nhưng, với việc Việt Nam chưa có luật thống nhất về M&A, mà thay vào đó, hoạt động M&A được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và Luật Cạnh tranh. Những thay đổi gần đây trong các luật này đã đặt ra những thách thức bổ sung cho những người mua tiềm năng.

Có lẽ trong thời điểm tới, cần có những cải cách thể chế và chính sách thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Việt phát triển thành các tập đoàn lớn và thâm nhập vào thị trường toàn cầu.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button