Tạo đà tăng trưởng năm 2022

(TGA) – Kinh tế Việt Nam đã có một số dấu hiệu khởi sắc. Nhờ đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2021 dự kiến sẽ hồi phục, giúp tăng trưởng cả năm có thể đạt từ 2% đến 2,5%. Với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia dự báo GDP năm 2022 có thể đạt mức tăng trên 6%.

Tạo đà tăng trưởng năm 2022

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt khoảng 2 – 2,5%. Năm 2022, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam là: quá trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang được triển khai nhanh và rộng; sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu; tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA); nhiều tổ chức, chuyên gia và nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ được thực thi trong năm 2022, tạo động lực thúc đẩy hồi phục nền kinh tế.

Dù vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể gặp một số thách thức nhất định. Đó là, kinh tế thế giới và các nước đối tác quan trọng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, khiến triển vọng gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư và quá trình phục hồi các chuỗi cung ứng đối với Việt Nam còn nhiều trở ngại. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có thể phải cần nhiều thời gian hơn, nhiều DN vừa và nhỏ đang trong tình trạng kiệt quệ do khó khăn kéo dài. Từ phân tích về cơ hội và thách thức nêu trên, NCIF đưa ra một số kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%, là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất, với giả thiết tình hình kinh tế thế giới và việc kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện.

Tạo đà tăng trưởng năm 2022

Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, có khả năng xảy ra khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế, tạo điều kiện cho kinh tế thế giới hồi phục ổn định; Việt Nam tận dụng tốt những lợi thế từ các FTA, chính sách hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao, khơi thông sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại.

Ở kịch bản thấp, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 4,5%, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đi cùng với đó là những biến chủng mới của Covid-19 có thể cản trở sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Nhận xét về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, đã thấy một số dấu hiệu hồi phục kinh tế, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục từ quý IV năm nay, đẩy tăng trưởng GDP cả năm lên mức khoảng 2 – 2,5%, sau đó tăng tốc trở lại từ đầu năm sau và đẩy GDP đạt mức tăng 6 – 6,5% trong năm 2022.

Theo vị chuyên gia của IMF, Việt Nam nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sân chơi công bằng cho DN. Việc cải cách cần theo hướng đơn giản hóa, giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho DN, đặc biệt là việc tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính, ngăn chặn tham nhũng để tăng lợi nhuận cho DN. Đồng thời, tiếp tục cải cách DN Nhà nước, bao gồm cải cách quản trị DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, năm 2022, triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực cùng với tiến trình bao phủ vắc xin và thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn. Việt Nam đang tiến tới trạng thái “sống chung an toàn với Covid-19”, nhờ đó khả năng cao là tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,2 – 2,4%. Năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5 – 7%. “Mức tăng trưởng này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam thiết kế và thực hiện tốt Chiến lược phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, thích ứng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 – 2023”, ông Lực nói.

THẾ GIỚI ẢNH 220+221

Bài Viết Liên Quan

Back to top button