Ngân hàng Nhà nước rút tiền về

Tiếp tục rút thêm 15.000 tỷ đồng khỏi thị trường phiên 28/6, NHNN đã nâng tổng số tiền Đồng rút khỏi thị trường thông qua kênh tín phiếu lên xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.
Ghi nhận trên kênh nghiệp vụ thị trường mở phiên gần nhất (28/6), Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này tiếp tục thực hiện giao dịch đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với 6 thành viên thị trường tham gia. Sau đấu thầu, cả 6 thành viên thị trường đều trúng thầu với tổng khối lượng 15.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65%/năm.

Như vậy, đây đã là phiên thứ 6 liên tiếp cơ quan quản lý tiền tệ thực hiện rút ròng tiền Đồng khỏi thị trường thông qua kênh tín phiếu. Trong phiên liền trước ngày 27/6, cũng qua kênh tín phiếu, NHNN đã rút 15.000 tỷ đồng khỏi 3 ngân hàng thương mại, lãi suất áp dụng 0,65%/năm.

Ngân hàng Nhà nước rút tiền về
Ngân hàng Nhà nước vẫn miệt mài rút tiền VNĐ khỏi thị trường thông qua kênh bán tín phiếu. Ảnh: Nam Khánh.

Rút gần 330.000 tỷ đồng khỏi thị trường

Diễn biến này đã nâng tổng số tiền NHNN rút ròng khỏi thị trường qua kênh tín phiếu lên xấp xỉ 100.000 tỷ đồng chỉ trong một tuần qua, mức rút tiền kỷ lục của cơ quan quản lý tiền tệ kể từ đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, việc lãi suất đấu thầu tín phiếu của NHNN có xu hướng giảm trong 2 phiên tuần này cho thấy nhu cầu thực tế của các ngân hàng thương mại là giảm lượng tiền nắm giữ trong bối cảnh thanh khoản dư thừa.

Không chỉ rút ròng tiền Đồng qua kênh tín phiếu, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), một lượng USD đáng kể đã được bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới 10 tỷ USD.

Tạm tính theo tỷ giá USD/VNĐ tham chiếu tại Sở giao dịch NHNN hiện nay, việc bán 10 tỷ USD ra thị trường kể trên tương đương với việc NHNN đã hút về hơn 232.500 tỷ tiền VNĐ khỏi thị trường.

Như vậy, thông qua 2 công cụ thị trường mở và bán ngoại tệ, đã có 332.500 tỷ đồng được cơ quan quản lý tiền tệ rút khỏi thị trường trong thời gian vừa qua.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản các ngân hàng đang trong trạng thái dư thừa sau quãng thời gian dài nâng lãi suất huy động tiền gửi từ đầu năm. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng lớn đã gần chạm trần từ cuối tháng 5 cũng khiến thanh khoản hệ thống thêm dôi dư.

Việc trần tăng trưởng tín dụng chưa được nới khiến thanh khoản tiền Đồng dư thừa và đã đẩy lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng xuống mức thấp.

Trong đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng cuối tuần trước có thời điểm đã rơi về mức 0,3%/năm, sau động thái hút ròng tiền Đồng khỏi thị trường của NHNN, mặt bằng lãi suất này tăng lên, hiện phổ biến ở 0,69%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,19%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Tuy vậy, đây vẫn là mức lãi suất thấp so với đầu năm.

Tỷ giá USD/VNĐ hạ nhiệt

Trong khi đó, động thái bán USD để hút tiền VNĐ về của NHNN được thực hiện với mục tiêu kiểm soát tỷ giá.

Theo VDSC, căng thẳng thanh khoản USD đã có xu hướng gia tăng sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào ngày 16/6. Trong đó, lãi suất USD liên ngân hàng đã tăng mạnh, lãi suất qua đêm tăng gần gấp đôi từ 0,85-0,90%/năm lên 1,5-1,6%/năm và tiếp tục giữ ở mức cao.

Điều này khiến chênh lệch lãi suất USD – VNĐ tiếp tục giảm trong vùng âm với cả kỳ hạn qua đêm và một tuần.

Các chuyên gia phân tích cho rằng chênh lệch âm giữa lãi suất USD-VNĐ đã khiến nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh tăng trong hệ thống. Do đó, việc hút bớt tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu đồng thời bán USD ra thị trường của NHNN sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất cho vay liên ngân hàng giữa hai đồng tiền này. Cùng với đó, áp lực với tỷ giá USD/VNĐ cũng giảm bớt và NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn.

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VNĐ đã ghi nhận xu hướng đi ngang sau quãng thời gian tăng mạnh liên tiếp.

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VNĐ tăng nhẹ 0,1 điểm % và tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 10 đồng, phổ biến ở mức 23.090 – 23.390 đồng/USD (mua vào – bán ra). Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do chỉ tăng 40 đồng, hiện giảm xuống dưới vùng 23.400 đồng/USD với giá mua phổ biến ở 23.940 đồng và giá bán ở 23.980 đồng/USD.

Theo SSI Research, tiền VNĐ đã giảm 1,9% so với đầu năm nhưng mới chỉ giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2021 và mức biến động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN (biên độ 2-3%).

Dù nguồn cung ngoại tê từ hoạt động xuất nhập khẩu không có nhiều tích cực như trước đó với cán cân thương mại tính đến giữa tháng 6 thâm hụt 1,3 tỷ USD, thị trường đã nhận được dòng tiền ngoại tệ nhờ tổ chức trong nước huy động từ thị trường quốc tế. Trong đó, Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD và Novaland huy động thành công 250 triệu USD.

Điều này có thể giúp giảm bớt áp lực tỷ giá USD/VNĐ trong ngắn hạn và giúp NHNN hạn chế việc can thiệp vào thị trường thông qua việc bán USD từ dự trữ ngoại hối.

Nguồn: zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button