MDF Quảng Trị – bệ đỡ cho kinh tế lâm nghiệp

MDF đã gầy dựng hệ sinh thái – chuỗi giá trị lợi ích đa dạng, trong đó không chỉ đóng góp vào mục tiêu chung mà còn giúp người nông dân bền vững với sinh kế.

MDF Quảng Trị - bệ đỡ cho kinh tế lâm nghiệp
Nghề trồng rừng ở Quảng Trị ngày càng chuyên nghiệp.

Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp Quảng Trị có bước phát triển đáng kể. Trồng rừng thương phẩm đang là phong trào thu hút nhiều nông dân tham gia ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với cây keo lai, tràm hoa vàng.

Khởi nghiệp trồng rừng từ những năm 1998, gia đình ông Trịnh Mùi ở Trung Sơn – Gio Linh (Quảng Trị) nhiều năm nay nhờ thu nhập từ 2,4 hecta rừng trồng cây keo để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học thành đạt.

Mặc dù thu nhập chưa phải là cao, nhưng theo ông Mùi, rừng đóng vai trò là tài sản dự phòng của gia đình, mỗi năm lãi trung bình vài chục triệu đồng, nếu để càng lâu, gỗ càng lớn giá trị kinh tế càng cao. Thị trường cây keo bây giờ rất rộng mở, có bao nhiêu cũng bán được, thậm chí thương lái đặt hàng trước.

Ông Lê Biên Hòa là một trong những nông dân điển hình về trồng rừng thương phẩm theo tiêu chuẩn FSC (Forest Stewardship Council) tên tiếng Anh của tổ chức “Hội đồng rừng quốc tế”.

Mục đích của FSC là hỗ trợ người trồng rừng, đem đến những giải pháp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác rừng phù hợp với môi trường, có lợi cho xã hội, các bên liên quan và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.

Ông Hòa hiện sở hữu 26 hecta rừng tiêu chuẩn FSC, thời gian khai thác lý tưởng nhất là 8 năm sau khi trồng, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi hecta sau khi trừ chi phí lãi 145 triệu đồng, tương đương mỗi tấn gỗ nguyên liệu có giá 1.300.000đ. Toàn chi hội FSC Quảng Trị hiện nay có 2.900 hecta được chứng nhận.

Dày dặn kinh nghiệm với nghề trồng rừng, ông Hòa cho biết thêm, tràm là loại gỗ dễ bán nhất, không bị xuống giá, hầu như không có phụ phẩm dư thừa, cây gỗ bán cho đối tác chính, cành phụ, lá tiêu thụ tại địa phương cho nhà máy gỗ công nghiệp MDF Quảng Trị.

Vai trò của MDF Quảng Trị

Có mặt ở Quảng Trị hơn 10 năm nay, Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị, trực thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực này; đồng thời là thương hiệu uy tín trên thị trường, ngoài đóng góp ngân sách lớn còn có trách nhiệm chính trị, xã hội.

MDF Quảng Trị - bệ đỡ cho kinh tế lâm nghiệp
MDF Quảng Trị vừa là động lực, vừa là kết quả giúp kinh tế lâm nghiệp địa phương khởi sắc

Nhưng quan trọng hơn, MDF Quảng Trị là đầu ra dường như vô hạn cho người trồng rừng. Từ những loại gỗ dường như bỏ đi, bằng công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp này đã tạo ra rất nhiều sản phẩm gỗ tấm dùng cho trang trí nội thất, gia công vật dụng gia đình như bàn ghế, tủ giường,…

Cây keo (tràm) là nguyên liệu lý tưởng để các nhà máy gỗ công nghiệp chế biến thành sản phẩm gỗ tấm, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Khi rừng tự nhiên “báo động đỏ” vì vấn nạn “lâm tặc” thì gỗ công nghiệp là giải pháp thay thế tốt nhất.

Toàn Quảng Trị hiện nay có hàng trăm nghìn hecta trồng keo, tràm; đa phần nhỏ lẻ, hộ gia đình, không phải ai cũng đủ điều kiện đầu tư lớn, đáp ứng tiêu chuẩn FSC. Vì vậy sự có mặt của nhà tiêu thụ MDF đảm bảo đầu ra ổn định.

Điển hình năm 2021, công ty sản xuất được 237.153 m3 gỗ, lượng nguyên liệu thu mua là hàng trăm nghìn tấn, nhu cầu trong tỉnh không đáp ứng đủ, công ty phải tìm nguồn cung nguyên liệu ở ngoài tỉnh.

Với kinh tế lâm nghiệp tại địa phương, MDF đã gầy dựng hệ sinh thái – chuỗi giá trị lợi ích đa dạng, trong đó không chỉ đóng góp vào mục tiêu chung mà còn giúp người nông dân bền vững với sinh kế.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button