Làm thiện nguyện “Trí sáng tâm trong, vạn sự an”

(TGA) – Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ Thập đỏ TP.HCM là đơn vị có nhiều thành tích tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19. Với ý chí chiến thắng dịch bệnh, vượt qua nỗi sợ hãi giữa sự sống và cái chết, các doanh nhân đã cởi bỏ bộ vest và khoác lên mình bộ áo chống dịch, lao vào tâm dịch, bệnh viện dã chiến, các khu phố bị cách ly, xóm trọ nghèo, xóm ve chai… để hỗ trợ lương thực thực phẩm, oxy, thuốc, vật phẩm y tế cho những người đang cần sự giúp đỡ.

Tinh thần thiện nguyện của các doanh nhân câu lạc bộ không chỉ ở địa bàn TP.HCM mà còn vươn ra các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bạc Liêu. Dịch bệnh đã qua song các thành viên của CLB vẫn tiếp tục phát huy tinh thần thiện nguyện, xem mục tiêu chia sẻ yêu thương là hành trình xuyên suốt TS.Nguyễn Hoàng Hiệp – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ Thập đỏ đã trải lòng với phóng viên về những mong ước mà ông đang ấp ủ để tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục lan tỏa, mở ra những cơ hội giúp đỡ những số phận không may mắn.

Làm thiện nguyện “Trí sáng tâm trong, vạn sự an”
TS.Nguyễn Hoàng Hiệp – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ Thập đỏ TP.HCM

PV: Trên cương vị Chủ nhiệm của CLB tập hợp những doanh nhân không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn tích cực tham gia những hoạt động vì cộng đồng, ông có thể chia sẻ quan điểm về hoạt động thiện nguyện của CLB?

TS.Nguyễn Hoàng Hiệp: CLB Doanh nhân Chữ Thập đỏ tiền thân là câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình Chữ Thập đỏ, là tổ chức cộng đồng phi lợi nhuận trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM. Câu lạc bộ Doanh nhân Chữ thập đỏ thực hiện phát triển hội viên, tình nguyện viên, kết nối các nhà chuyên môn, các nguồn lực từ doanh nhân – doanh nghiệp hoạt động dựa trên các nguyên tắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền đoàn thể, các đơn vị cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng, các hoạt động xã hội nhân đạo.

Từ tiền thân là câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình Chữ Thập đỏ, đến nay chúng tôi luôn đồng hành cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân TP trên nhiều mặt trận thiện nguyện nhưng quan điểm của chúng tôi là làm nhiều hơn nói đặc biệt quan trọng là sử dụng hoạt động thiện nguyện để đánh bóng thương hiệu CLB hay cá nhân không nằm trong văn hóa của CLB chúng tôi.

Ở cương vị là tân Chủ nhiệm CLB cũng là một người đã có nhiều trải nghiệm trong tư cách là doanh nhân và tình nguyện viên, tôi mong muốn nhìn thấy nhiều hơn các hoạt động thiện nguyện không giới hạn bởi khuôn khổ của các cơ quan, doanh nghiệp, mà còn ở nhiều tổ chức tập hợp những người cùng chí hướng, cách quản lý, làm việc thiện nguyện minh bạch, chuyên nghiệp và tâm nguyện đóng góp cho cộng đồng để khơi dậy ngọn lửa yêu thương của mỗi con người Việt nam vốn dĩ đã có truyền thống lâu đời từ ngàn xưa, là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc “Lá lành đùm lá rách” để cùng vượt qua khó khăn, chia sẻ đau thương mất mát vì một cộng đồng hạnh phúc, bình an.

PV: Thi ân bất cầu báo (làm ơn không cần báo đáp), lặng thầm và bền bỉ giúp đỡ cộng đồng, vậy ông và ban chủ nhiệm sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì để giữ gìn và phát triển đúng định hướng mà ban Chủ nhiệm CLB đã đề ra?

TS.Nguyễn Hoàng Hiệp: Đây là câu hỏi mà trước đó tôi từng đặt ra cho mình và tìm câu trả lời. Khó khăn thì rất nhiều, nó cũng không nằm ngoài những khó khăn của những tổ chức thiện nguyện đó là thiếu thốn về cơ sở vật chất ban đầu, anh em tập hợp nhiều cương vị, ngành nghề khác nhau nên việc dành thời gian cũng cần phải rất quyết tâm. Hơn nữa, kêu gọi sự hảo tâm, thiện nguyện không đơn giản khi mà câu chuyện ranh giới mong manh giữa trắng – đen khi làm từ thiện vẫn còn tồn tại và đôi lúc làm mất niềm tin của một số người trong xã hội.

Tuy nhiên, tôi tin là đại dịch vừa qua ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, đã làm thay đổi nhân sinh quan, của  nhiều người, đó là một thuận lợi để chúng ta kiên định lan tỏa sự yêu thương. Đại dịch đã khơi lên sự quyết tâm và đồng lòng của nhiều người để cùng “quên mình” và phấn đấu vì một mục tiêu cao hơn: quyền được sống và trách nhiệm của người ở lại. Đại dịch đã cho chúng ta rất nhiều ý chí và nghị lực, dạy cho mỗi chúng ta hiểu sống một cuộc đời xứng đáng là như thế nào, nhắc nhở chúng ta về cách đối nhân xử thế vì đó mới chính là đỉnh cao thành công của một đời người. Thuận lợi là chúng tôi cùng tập hợp được những anh em là doanh nhân có cùng mong muốn được chia sẻ yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và chung tay vì lợi ích của cộng đồng.

PV: Thực tế trong cuộc sống, có những người làm công tác thiện nguyện nhưng khó vượt qua được những ranh giới mong manh của “trắng-đen”, mong “nhận được” hơn là “cho đi” lợi dụng thiện nguyện để tư lợi, có lúc nào ông cảm thấy mỏi mệt vì làm thiện nguyện góp sức cho đời mà chịu thị phi như sự việc ồn ào của một tình nguyện viên trong CLB vừa qua trên mặt báo?

TS.Nguyễn Hoàng Hiệp: Thành phố Hồ Chí Minh đã đi qua một cơn ác mộng với rất nhiều nỗi đau, các thành viên của CLB Doanh nhân Chữ Thập đỏ là người trực tiếp “xông pha giữa tâm dịch”, tôi tin họ đã dám vượt qua giữa ranh giới mong manh của Sự sống – Cái chết để chọn cho mình cách cống hiến vì nghĩa cử cao đẹp thì những thành viên đó, hơn ai hết đều muốn giữ gìn giá trị thiêng liêng cho mình. Tất nhiên, cuộc sống không có gì là tuyệt đối cả, vẫn có những con người làm sai giá trị thiện nguyện, nó phụ thuộc vào nhận thức, và rất nhiều yếu tố, hoàn cảnh cụ thể khác, tôi rất lấy làm tiếc vì điều này.

Bản thân tôi thấy mình trong công tác thiện nguyện phải luôn tỉnh táo và kiên định. Nếu chúng ta bị những suy nghĩ ngắn hạn, mang tính cá nhân ảnh hưởng đến các công việc thiện nguyện, qua đó không giải quyết vấn đề cho đối tượng mà chúng ta đang giúp đỡ thì người thật sự người cần sự giúp đỡ, người yếu thế, người nghèo nhất chính là những người chịu thiệt thòi nhất. Mỗi một tình nguyện viên, khi mục tiêu chung là “Cho đi mà không mong nhận lại”, được đặt lên cao nhất thì sẽ vượt qua được cái tôi của bản thân và sẽ biết đâu là đúng sai rõ ràng. Bản thân con người thì ai cũng sợ thị phi, bởi vậy làm thiện nguyện rất cần nhiều trí tuệ và kỹ năng để khẳng định sự minh bạch và trong sáng trong công tác từ thiện với câu nói “Trí sáng tâm trong vạn sự an”, với người làm thiện nguyện, luôn luôn đúng!

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Đức Cường

Bài Viết Liên Quan

Back to top button