Kiểm tra cơ sở sản xuất nước rửa chén Superlight tại An Giang

(TGA) – Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) An Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) tạm giữ gần 7.000 chai nước rửa chén hiệu “Superlight” thành phẩm tại hai cơ sở kinh doanh và sản xuất khi kiểm tra xử lý vi phạm.

Trước đó, ngày 19/11/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) và Tổ liên ngành số 1, số 5 (BCĐ 389 Tỉnh), Công an huyện Tịnh Biên, Đội Quản lý thị trường số 2 và Công an xã Đa Phước thuộc huyện An Phú kiểm tra 02 địa điểm:

– Hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Lâm Thị Y tại tổ 10, khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang do bà Lâm Thị Y, sinh năm: 1971 làm đại diện. Đoàn kiểm tra tạm giữ 4.674 chai nước rửa chén hiệu Superlight các loại 400g, 750g và 760g do cơ sở Thăng Long, địa chỉ: 6242 ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang sản xuất. Hàng hóa không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trị giá hàng hóa khoảng 36 triệu đồng.

Kiểm tra cơ sở sản xuất nước rửa chén Superlight tại An Giang
Khiểm tra cơ sở kinh doanh tại Tịnh Biên

– Cơ sở sản xuất nước rửa chén – hộ kinh doanh Thăng Long tại số 6242 ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang do ông Trịnh Minh Hưng, sinh năm: 1988 làm đại diện. Đoàn kiểm tra tạm giữ 1.990 chai nước rửa chén hiệu Superlight các loại 400g, 790g; 300 lít nước rửa chén bán thành phẩm cùng 3.700 vỏ chai nhựa, 58 kg nhãn hàng hóa và 600 kg (24bao) nguyên liệu dùng để sản xuất là chất Sodium Lauryl Sulfate (SLS) Needee do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Kiểm tra cơ sở sản xuất nước rửa chén Superlight tại An Giang
Kiểm ra cơ sở sản xuất tại An Phú

Ông Trịnh Minh Hưng xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm số 01/2021/TL ngày 18/01/2021 đối với sản phẩm nước rửa chén hiệu Superlight loại 400g và 750g kèm Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 0899/HL/0450/1220 ngày 08/01/2021 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ. Ngoài ra, ông Hưng còn xuất trình các hóa đơn GTGT mua nguyên liệu để sản xuất và 03 Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với các nhãn hiệu Superlight Technology Fast Cleaning QUALITY; NINJA CHANH và KIX Sạch Sáng.

Tuy nhiên, tất cả sản phẩm thành phẩm gồm 6.665 chai nước rửa chén hiệu Superlight các loại được tạm giữ tại 02 cơ sở nêu trên có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Kiểm tra cơ sở sản xuất nước rửa chén Superlight tại An Giang
Sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa có chữ không theo qui định bị tạm giữ chờ xử lý tiếp theo

Theo trình bày của ông Trịnh Minh Hưng, ngôn ngữ thể hiện trên nhãn hàng hóa là chữ Khmer, do ông lấy từ Google dịch sau đó ghi trên nhãn. Cơ sở Thăng Long cũng chưa xuất trình được hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm nước rửa chén hiệu Superlight loại 760g và 790g.

Đội Quản lý thị trường số 1 tạm giữ toàn bộ hàng hóa cùng nguyên liệu sản xuất để tiếp tục làm rõ, xử lý tho quy định.

Vũ Hoàng

Bài Viết Liên Quan

Back to top button