Giải pháp điều hành giá trước thách thức lạm phát

Những yếu tố chi phí đang gây áp lực rất mạnh ở trong nước, tác động lớn đến hàng hóa dịch vụ, cơ quan quản lý đang có những tính toán kịp thời, linh hoạt để thay đổi điều chỉnh.

Áp lực chi phí đẩy

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, trong ba năm vừa qua, nhiều nước đã sử dụng những gói kích thích kinh tế lớn, với tổng số tiền chưa từng thấy trong lịch sử. Điều đó sớm muộn cũng sẽ tác động đến lạm phát trong trung và dài hạn, nhưng chưa kịp xảy ra thì ngay lập tức, cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đã kích hoạt lạm phát mạnh mẽ ở châu Âu, Mỹ và một số nước khác, chủ yếu tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng khá nghiêm trọng.

Giải pháp điều hành giá trước thách thức lạm phát
Tại Việt Nam, nếu giá xăng dầu tăng lên 10% thì lạm phát sẽ tăng 0,48%, còn nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát sẽ tăng thêm 1,05%

Tổng hợp các yếu tố lại thì giá dầu thô thế giới đã tăng đâu đó trong vòng ba tháng qua khoảng 55-58%, giá lương thực thực phẩm tăng khoảng 24 – 25%, còn giá các loại vật liệu cơ bản cũng tăng theo từ 17 – 19%, có những loại tới 35%. Có thể nói, ảnh hưởng lớn nhất đối với Việt Nam chủ yếu là giá nhiên liệu và năng lượng hơn là lương thực thực phẩm và tiếp theo đến là giá vật liệu cơ bản, là đầu vào của các ngành sản xuất tại Việt Nam hiện nay.

“Chúng tôi cũng đã xem xét tác động của giá xăng dầu ở Việt Nam vào lạm phát như thế nào, trong đó, nếu giá xăng dầu tăng lên 10% thì lạm phát sẽ tăng 0,48%, còn nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát sẽ tăng thêm 1,05%. Ngoài ra, còn một số tác động của giá lương thực thực phẩm, từ đó, lạm phát của Việt Nam năm 2022 có lẽ sẽ ở mức Quốc hội đã đề ra là khoảng 4%.

Một vấn đề đáng mừng là tác động của tỷ giá hối đoái không đáng kể. Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá, nên biến động của tỷ giá đồng Việt Nam so với USD không lớn, do đó, nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào chủ yếu là tăng giá thế giới chứ không được kích hoạt thêm bởi yếu tố tỷ giá.

Chúng ta cũng thấy rằng, đồng tiền của rất nhiều nước đã mất giá lớn so với đồng USD, cao nhất có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, đâu đó khoảng 17%, rồi ngay cả đồng Yen Nhật Bản cũng mất giá đâu đó khoảng 7,8 – 9%. Còn Euro của châu Âu khoảng 4%, một số đồng tiền trong khu vực của chúng ta mất giá khá mạnh, như đồng tiền của Indonesia khoảng 7%, đồng Baht Thái là 4% hay đồng Ringit của Malaysia khoảng 2,9 – 3%”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia, toàn bộ cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm cho cả thế giới chao đảo vì an ninh năng lượng toàn cầu. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tương đối nặng nề, nhưng chung quy lại, tác động của nó tới lạm phát lại không phải quá lớn. Mà yếu tố tác động mạnh hơn đến tổng cung xăng dầu của Việt Nam là vấn đề tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khi sản lượng giảm rất mạnh và tháng 4, tháng 5 này không thể cung ứng ra thị trường, chúng ta buộc phải sử dụng nguồn dự trữ lưu thông để bù đắp thâm hụt nguồn cung. Đó là một trong những lý do làm cho giá xăng dầu của Việt Nam tăng khá nhanh trong thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh phân tích, lạm phát luôn tác động qua các vòng 1-2-3 đến nền kinh tế và có liên quan đến giá xăng dầu.

“Tôi đã nghiên cứu và phân tích các mô phỏng thực tế và thấy, giá xăng dầu ảnh hưởng rất mạnh đến một loạt các mặt hàng như luyện kim, phân bón,… Trong khai thác tài nguyên thì xăng dầu chiếm 45,58%, trong khai thác than là 76,73%, trong khai thác thủy sản là 63,36%, còn trong vận tải đâu đó ảnh hưởng từ 20 – 45% đầu vào…

Ngoài áp lực giá xăng dầu, chúng ta còn phải tính đến vấn đề nữa từ Trung Quốc, khi nước này vẫn đang tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero COVID, sẽ vẫn phong tỏa các thành phố, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu lớn dẫn tới câu chuyện tăng giá”, ông Nguyễn Đức Trung phân tích.

Giải pháp điều hành

Đưa ra kịch bản mô phỏng, ông Trung dự báo, nếu xăng dầu tiếp tục tiến đến mức 140 USD/thùng, thì lạm phát bình quân năm nay sẽ vẫn ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8, tháng 9 tới đây và đến cuối năm có thể đâu đó là trên 7%. Vấn đề nguy hiểm hơn nữa là gây ra kỳ vọng lạm phát, gây áp lực lớn hơn nữa cho việc điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023, mà nhận định này hoàn toàn chính xác so với tình hình xăng dầu, cũng như chiến lược Zero COVID của Trung Quốc.

Giải pháp điều hành giá trước thách thức lạm phát
Những yếu tố chi phí đang gây áp lực rất mạnh ở trong nước và có tác động lớn đến giá hàng hóa dịch vụ

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính chia sẻ, những vấn đề liên quan đến yếu tố chi phí là vấn đề đã được dự báo từ trước. Khoảng cuối năm 2021, đầu 2022, Bộ Tài chính đã có những đánh giá, tính toán kịch bản trình lên Ban chỉ đạo để có công tác điều hành giá, có cơ chế kiểm soát điều hành giá trong cả một giai đoạn.

Nhưng điều quan trọng là quý 1 có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá, nếu ở góc độ bình thường thì bản thân quý 1 là quý mà chỉ số giá thường rất cao vì đây là dịp lễ, Tết. Nhưng cũng là thời điểm xuất phát các yếu tố như xung đột Nga – Ukraine và tiếp sau đó là các chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga, càng gây thêm các tác động cho công tác quản lý giá.

“Chúng tôi đánh giá, công tác điều hành từ nay đến cuối năm vẫn chịu rất nhiều yếu tố khó lường, do đó, không được chủ quan, vẫn phải có cập nhật thông tin kịp thời để phân tích, đánh giá và có dự báo điều chỉnh linh hoạt các kịch bản điều hành phù hợp, hướng tới việc kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Còn trước những yếu tố chi phí đang gây áp lực rất mạnh ở trong nước, các chuyên gia cũng đã phân tích có tác động lớn đến hàng hóa dịch vụ. Đến nay không còn có độ trễ, mà vòng 1, vòng 2 lạm phát đã bắt đầu vào, chúng tôi đang có những tính toán kịp thời linh hoạt để thay đổi điều chỉnh. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong kịch bản đã đặt ra”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết.

Cũng theo ông Khôi, sắp tới đây mở cửa du lịch hoàn toàn sẽ thu hút rất nhiều các hoạt động, đó cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý tính toán đến và sẽ phải đánh giá. Tuy nhiên, vấn đề đó là thứ yếu hơn so với việc chúng ta kiểm soát chi phí đẩy.

“Đặc biệt, yếu tố đáng chú ý là về lạm phát tâm lý, phải kiểm soát được lạm phát kỳ vọng. Trong thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ riêng Bộ Tài chính mà các Bộ, ngành cũng đã rất tăng cường công tác thông tin công khai, tăng cường các vấn đề trao đổi, tham gia các diễn đàn để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, giúp mọi người nắm được diễn biến và nguyên nhân, để từ đó chúng ta hạn chế được các yếu tố lạm phát kỳ vọng.

Những yếu tố này tác động rất ghê gớm đến mặt bằng tâm lý chung, trong khi các nước lạm phát đang rất cao và bối cảnh các khoản chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã chịu áp lực như vậy. Nếu kiểm soát được lạm phát kỳ vọng sẽ là một thành công lớn”, ông Khôi bày tỏ.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button