Đón doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu

Đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu có thể là một hướng đi mở để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Đó là quan điểm của TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, xoay quanh câu chuyện quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Đón doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu
Về mặt lý thuyết, giá dầu tăng sẽ khiến cho năng suất và sản lượng của nền kinh tế giảm do các doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm sản xuất để đối phó với chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng (ảnh minh hoạ)

– Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá cả xăng dầu có thể sẽ vô hiệu hóa các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ trong thời gian tới, quan điểm của ông thế nào về điều này?

TS. Bùi Duy Tùng: Có thể thấy, sự biến động tăng giá dầu như hiện nay có nguy cơ mang đến những tác động tiêu cực cho nền kinh tế và làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế do Chính phủ ban hành.

Về mặt lý thuyết, giá dầu tăng sẽ khiến cho năng suất và sản lượng của nền kinh tế giảm do các doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm sản xuất để đối phó với chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng. Điều này gây ra giảm nguồn cung hàng hóa của nền kinh tế. Mặt khác, giá dầu tăng cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát, làm giảm tổng cầu.

Ngoài ra, dù giá xăng dầu hiện tại ở Việt Nam còn thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, nhưng thu nhập ở Việt Nam cũng còn ở mức thấp hơn so với các quốc gia đó. Cho nên, việc giá xăng dầu tăng cao sẽ làm cho người dân Việt Nam kiệt quệ hơn so với các quốc gia có mức thu nhập cao trên thế giới. Vì vậy, những tác động tiêu cực của việc tăng giá cả xăng dầu có thể sẽ vô hiệu hóa các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ.

– Theo ông, phương án mở cửa cho các doanh nghiệp đầu tư và tham gia kinh doanh, phân phối xăng dầu liệu có ổn, khi trước đây được xem là cách để phá vỡ thế độc quyền, nhưng qua trường hợp nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn vừa qua thì có còn phù hợp?

TS. Bùi Duy Tùng: Trước đây, Nhà nước đã có những chính sách mở cửa, cho phép khu vực tư nhân tham gia vào thị trường này. Cuối năm 2011, Nghị Định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, cũng cho phép chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi, việc ban hành những chính sách nhằm phá vỡ thế độc quyền xăng dầu trong nước là những bước đi phù hợp, để tạo sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu. Người tiêu dùng là một trong những đối tượng được hưởng lợi khi sự cạnh tranh gia tăng. Cạnh tranh sẽ làm cho giá xăng dầu tiến về mức hợp lý, cải thiện sự minh bạch, giúp người tiêu dùng được hưởng các dịch vụ tốt hơn.

Song, việc khan hiếm nguồn cung xăng dầu gần đây trong nước (từ tháng 02/2022) đã cho thấy một số điểm hạn chế của các cơ chế, chính sách hiện tại, dẫn đến việc thị trường hiện nay vẫn chưa thực sự cạnh tranh bởi:

Một là, nguồn cung trong nước đang phụ thuộc lớn vào nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nơi cung ứng gần 35% thị phần trong nước. nên khi giảm công suất của nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng xăng dầu trong cả nước. Khi nhà máy giảm sản lượng đột xuất, các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ chịu lỗ nặng do họ phải nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá cao hơn, vì không có kế hoạch nhập khẩu từ trước.

Hai là, sự cố thiếu hụt xăng dầu này cũng cho thấy bất cập trong việc dự trữ xăng dầu. Việc phụ thuộc lớn vào một nhà cung cấp và năng lực dữ trự kém sẽ khiến cho hậu quả của việc đứt gãy nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.

– Liên quan đến câu chuyện độc quyền và cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu, vậy làm thế nào để tăng sức cạnh tranh, chủ động của chính các doanh nghiệp, thưa ông?

TS. Bùi Duy Tùng: Mặc dù Nhà nước đã ban hành các chính sách phá vỡ thế độc quyền và nâng cao cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, nhưng tính cạnh tranh trong thị trường này hiện vẫn chưa cao. Vì vậy, có một số giải pháp cần lưu tâm như:

Thứ nhất,  đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Nhà nước vẫn còn khá thận trọng với việc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ và phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định, nếu các đầu mối kinh doanh xăng dầu muốn chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cần phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Tuy chính sách này giúp ổn định về an ninh năng lượng, nhưng lại làm chậm sự mở cửa của thị trường, dễ hình thành nên cơ chế độc quyền nhóm. Cho phép nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chú ý hơn đến giá cả và chất lượng phục vụ khách hàng.

Thứ hai, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Ở Việt Nam, có hai nhà máy lọc hóa dầu lớn là Nghi Sơn và Dung Quất. Trong đó, Nghi Sơn chiếm gần 35% nguồn cung của thị trường. Việc phụ thuộc vào một nhà cung cấp sẽ khiến cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị động khi nhà máy đó giảm sản lượng đột xuất. Các nhà máy lọc dầu được hình thành cho chính sách thu hút FDI trong việc thúc đẩy công nghệ lọc hóa dầu ở Việt Nam và tận dụng nguồn tài nguyên dầu thô ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phù hợp của chính sách này trong bối cảnh hiện tại là một câu hỏi lớn, trong khi thế giới đang hướng đến những nguồn năng lượng sạch hơn để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Vì thế, tập trung vào các công nghệ này sẽ đi ngược lại xu thế năng lượng xanh và sạch của thế giới. Trong tương lai, các công nghệ này sẽ đi đến giai đoạn lụi tàn và bị thay thế.

Mặt khác, sản lượng dầu thô ở Việt Nam có hạn. Do đó, khi tài nguyên dầu thô Việt Nam cạn kiệt, các nhà máy này phài nhập dầu thô từ các quốc gia khác về để lọc hóa. Giá trị gia tăng của việc này không quá lớn hơn việc nhập trực tiếp xăng dầu thành phẩm từ các quốc gia đó.

Thứ ba, cải thiện cơ chế hình thành giá xăng dầu. Ngoài việc giảm phụ thuộc vào một nguồn cung ứng, thì việc cải thiện cơ chế tính giá xăng dầu cũng là một biện pháp giúp tăng sức cạnh tranh và chủ động của chính các doanh nghiệp. Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP, giá xăng dầu được tính và điều chỉnh vào ngày 01, 11 và 21 hàng tháng. Đây là một trong những lý do khiến cho giá xăng dầu thiếu linh hoạt và không theo kịp giá thế giới. Do giá Việt Nam được tính theo giá quá khứ của thế giới nên các đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể lợi dụng việc này để găm hàng chờ tăng giá. Nhà nước cần quy định rõ hơn trong trường hợp nào giá xăng dầu cần được điều chỉnh đột xuất, hoặc rút ngắn thời gian điều chỉnh hơn so với quy định hiện tại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button