Doanh nghiệp miền Trung “đỏ mắt” tìm lao động

Nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm đang trở thành “điệp khúc” lâu nay ở các tỉnh miền Trung.

Sự việc công nhân của Công ty TNHH Viet Glory ngừng việc tập thể để yêu cầu công ty đáp ứng các quyền lợi về tăng lương, phụ cấp chính là cảnh báo cho thị trường nơi đây.

Doanh nghiệp miền Trung “đỏ mắt” tìm lao động

Nhiều nhà máy may, giày da ở Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng công nhân người địa phương rất lớn nhưng số lượng đáp ứng các vị trí việc làm vẫn chưa đủ

Nghịch lý thừa, thiếu

Câu chuyện cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cảnh người lao động ở khu vực miền Trung gồng gánh, tay xách nách mang kéo nhau vào các tỉnh, thành phía Nam hoặc một số địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên… tìm việc làm luôn xảy ra.

Với việc áp dụng tính lương cơ bản của vùng, miền ở khu vực này vẫn còn thấp nên người lao động vẫn chưa mặn mà khi vào làm việc tại các nhà máy ngay chính quê hương của mình. Bởi hiện theo quy định tại Nghị định 90 ngày 15/11/2019 của Chính phủ thì mức áp dụng tính lương cơ bản vùng IV chủ yếu ở địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung cũng chỉ ở mức 3.070.000 đồng/tháng.

Trở lại câu chuyện của Công ty TNHH Viet Glory đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An chuyên về may mặc, giày da khi đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay đã trả mức lương cơ bản cho công nhân cao quy định tại vùng IV 600 nghìn đồng/tháng nhưng lượng người lao động thu hút lâu nay vẫn chưa đủ vị trí việc làm. Đầu tháng 02/2022, thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An), Viet Glory tiếp tục thông báo tuyển khoảng 3.020 công nhân làm việc tại cơ sở của mình ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu.

Đau đầu giải quyết bài toán lao động

Theo thông tin mà ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 35 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng gần 20.000 lao động. Cũng thông qua Trung tâm, các doanh nghiệp ở ngoại tỉnh như Hà Nội, Bình Dương, Hải Dương… cũng cần tuyển dụng gần 12 nghìn lao động đến những địa phương này làm việc.

Ông Trần Quốc Tuấn cho biết, để giải quyết bài toán lao động cho các doanh nghiệp, đơn vị đang tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm của những tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây nguyên. Theo đó, đơn vị sẽ kết nối để tìm nguồn lao động từ miền Nam về quê tránh dịch như Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam… cho các doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống các phường, xã, tổ dân phố để thu thập, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động nhằm kết nối việc làm với các doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Ngọc Thái

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button